Rừng Biên Giới

Sáng tác: Hoàng Khai Nhan

Trình bày: Nguyễn Quang & Nhóm bè Cadillac

Hòa âm: Hoàng Khai Nhan & Sonar Studio

Phối khí - Thu Thanh - Mix: Sonar Studio

Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan

Lời giới thiệu: Diễm



Click on the video above to play!

Rừng Biên Giới


Cảm nhận của

Diễm

Bỗng dưng, tôi thấy mình trở về những bước đi chơi vơi lạ lẫm của tuổi thơ lên mười lần đầu tiên được biết đến Rừng, khi theo chân mẹ đi thăm nuôi bố tại những trại cải tạo heo hút nơi miền biên giới.

Ngày xưa...
trèo bao thác ghềnh bến sông
Nàng đi giữa rừng tay bế con.

Đó chính là hình ảnh của mẹ tôi, cũng như biết bao những nàng Tô Thị của Miền Nam. Họ không chỉ bồng con trông ngóng vô vọng một cách cam chịu và lặng lẽ như hòn đá Vọng Phu. Tình Yêu đã thôi thúc họ vượt qua “biên giới” của mọi thử thách dành cho số phận.

Tìm anh
chìm sâu quãng đời héo hon
sắt se từng tiếng lòng
thoáng sa giòng lệ ngân...

Vì vậy, còn lời ngợi khen nào đẹp hơn những dòng nhạc viết như thơ.

Hơn thế nữa, những dòng thơ này thắm đượm thiện tính bao dung của một người biết xem nhẹ những chuyện đã qua trong cuộc đời. Dường như, tuy không quên được, người nhạc sĩ đã tìm cách "chìm sâu quãng đời héo hon" trong rừng thẳm của mình bằng những nốt nhạc thăng hoa tuyệt đẹp vượt lên trên những u uất thường tình.

Rồi ngày qua đi khốn khó
Nhớ mãi gian nan bây giờ
Dù tuổi đời mòn trí nhớ
Vẫn không quên ngày xưa...

Mắt tôi nhoà lệ khi thấy lại hình ảnh những "cải tạo viên" thấp thoáng như có bóng dáng của bố tôi trong bộ áo tù bằng vải màu chàm năm nào ẩn hiện trong rừng sâu, theo những nốt nhạc "sắt se từng tiếng lòng."

Đâu phải phe chiến thắng nào cũng vượt qua được cái biên giới bao dung trong tình người.

Có lẽ chỉ khi mà kẻ thắng, người thua được nằm kề bên nhau trong cùng một nghĩa trang như tại Arlington, Virginia thì người ta mới nhận ra cái chân giá trị tuyệt vời của tình nhân ái nơi vòng nguyệt quế (*) đích thực của người chiến thắng.

Biên giới đó không có trong Tình Yêu!

Tôi thích nhất là câu "Tình đưa nàng nghìn dặm tới" mà tác giả đã diễn tả bằng giai điệu hoan cao để tôn vinh tình yêu bằng những hình ảnh tuyệt đẹp ghi lại trong mắt:

Ngày nào xưa bên bờ giòng suối
Tình đưa nàng nghìn dặm tới
Em bước trên thềm lá cây
Con đường biên giới

Bụi vàng hay mưa dầm vạt áo
Lòng ngỡ ngàng một hồi lâu
Thương bóng em cùng bóng chiều
Hắt hiu bên cầu

… và trong tim:

Cầm bàn tay nhau và lặng yên
Để nghe lòng rộn nghìn tiếng
Giây phút êm đềm quá nhanh
Ơi người yêu mến!

Lời nàng hay núi rừng vọng âm
Để mắt buồn vời vợi trông
Thương bước em nhoà khuất dần
Đứng ngây bên đường

Để rồi sau đó một lần nữa trở về với những nốt nhạc trầm lắng đọng đầy cảm nhận. Tôi yêu mến những hình ảnh trước-sau, ngày xưa-bây giờ mà tác giả đã tài tình khéo đặt bên nhau như một cách "ôn cố tri tân" ý nhị:

Chiều xa vắng nhau
Môi khô ngày nắng hạn

Chiều nay có nhau
Mưa bên trời rớt mau

Có lẽ chính niềm tin tưởng "Sau cơn mưa trời lại sáng" đã là ánh mặt trời soi sáng cho biết bao nhiêu người cùng cảnh ngộ như bố tôi, như tác giả và những người vợ, người mẹ Miền Nam vượt ra khỏi Rừng Biên Giới để bước đến một viễn ảnh tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, Rừng Biên Giới u uẩn bởi có những người đã vĩnh viễn nằm lại dưới thềm lá vàng. Có những niềm thương tiếc khôn nguôi như một màn sương bao phủ cuộc đời. Tiếng lòng của tác giả cũng vươn vang xoa dịu vỗ về những chiếc bóng lẻ loi bên đời hiu quạnh.

Chiều nay màn sương xuống rồi
Có ai còn đang bước ngoài sương lãng phai
Về đây ngồi bên bếp nồng ấm hơi
Hãy mơ ngày tương lai sáng tươi...

Khi chú Hoàng Khai Nhan hỏi cảm nghĩ của tôi về nhạc phẩm mới này, tôi đã trả lời chú không ngần ngại: "Chú ơi, đây là một nhạc phẩm khác biệt hoàn toàn với những bản nhạc trước đây chú viết. Con cảm thấy như là một bài 'Trường Ca' bao gồm nhiều phân đoạn với tiết tấu khác nhau nhưng lại hoà quyện một cách lạ lùng."

Tôi có "đại ngôn" không nhỉ? Xin mời quý khán thính giả hãy cùng thưởng thức video nhạc "Rừng Biên Giới" rồi hãy bắt tội con bé không hiểu chuyện này nhé!

Tôi hy vọng quý vị những ai đã từng có những mảng ký ức khó quên với Rừng (như gia đình tôi), sẽ thấy lại trong tiếng nhạc, trong lời ca, trong những hình ảnh tuyệt đẹp mà chú Hoàng Khai Nhan đã bỏ công tìm kiếm và thực hiện tác phẩm này một chút gì gợi nhớ, gợi thương... lóng lánh kỷ niệm.

Cảm ơn giọng hát của ca sĩ Nguyễn Quang cùng Nhóm Bè Cadillac và sự phối khí dàn nhạc của Sonar Studio đã lột tả được trọn vẹn từ nỗi lòng u uẩn trong rừng sâu cho đến khúc hoan ca đầy hy vọng của tình yêu hôm nay và mai sau.

Em bước mãi bên anh trong vườn Xuân nắng mới lên nhanh
Em hát mãi bên anh trong bình minh dưới bóng cây xanh...

Xin trân trong giới thiệu.

Diễm - 12/21/2019



(*) Note: Vòng Nguyệt Quế
Source: Wikipedia tiếng Việt

Trong thần thoại Hy Lạp thần Apollo được thể hiện là đội vòng nguyệt quế trên đầu, và thời Hy Lạp cổ đại thì các vòng nguyệt quế được dùng để tặng thưởng cho những người chiến thắng, cả trong những cuộc thi đấu thể thao, bao gồm cả Olympic cổ đại cũng như các cuộc thi thơ dưới sự bảo trợ của vị thần này. Một số vị hoàng đế cũng đội vòng nguyệt quế. Trong khi các vòng nguyệt quế cổ đại thường được mô tả là có hình móng ngựa thì các vòng nguyệt quế ngày nay lại thường có dạng hình tròn. Từ để chỉ người được giải thưởng trong một số ngôn ngữ nước ngoài như tiếng Anh là laureate, tiếng Nga là лауреат (từ tiếng La tinh lаureatus) đều có nghĩa là đội vòng nguyệt quế.

Trong thành ngữ thông dụng ngày nay, vòng nguyệt quế dùng để chỉ chiến thắng. Thành ngữ "Ngủ trên vòng nguyệt quế của mình" dùng để chỉ những người dựa vào những thành công trong quá khứ để che đậy những điều kém cỏi của họ trong thời hiện tại.


Quí vị có thể click vào Soundtrack dưới đây để hát theo...
Cũng như chuyển bài hát này cho bạn bè
và những người thân cùng thưởng thức!
Đa tạ!



Rừng Biên Giới (Hoàng Khai Nhan)

Rừng Biên Giới

Sáng tác: Hoàng Khai Nhan

Hòa âm: Hoàng Khai Nhan & Sonar Studio

Phối khí, Thu thanh, Mix: Sonar Studio

Hát: Nguyễn Quang

Bè: Nhóm Bè Cadillac


Tôi đã viết "Đoản Trường Ca" Rừng Biên Giới này 40 năm về trước. Đến nay, 2019, mới có phương tiện và thì giờ thực hiện thành ca khúc để hân hạnh ra mắt mọi người...

Thương tặng vợ yêu dấu, ngày xưa đã một mình chăm con thơ... Lặn lội rừng sâu nước độc, chung thủy nuôi chồng trong những năm tháng cơ cực cùng tận nhất của cuộc đời.

Tôi cũng muốn dành ca khúc này mến tặng đến những Người Mẹ, Người Vợ Việt Nam cùng chung cảnh ngộ. Trong niềm mơ ước và hy vọng một tương lai tươi sáng đã, đang, và sẽ đến với mọi người chúng ta...


Các bạn có thể xài soundtracks dưới đây để hát theo...



Soundtrack C (C Major)

Nhạc Sonar Studio + Nhóm Bè Cadillac

Soundtrack A (A Major)

Nhạc Sonar Studio (không có bè)





Tù Cải Tạo
Nguồn Internet



Kiểm Tra Tư Trang
Tranh Lưu Thành
(Tranh vẽ bằng đất đỏ và bút nguyên tử)




Còn Nhau (Hoàng Khai Nhan)

Còn Nhau

Nhạc và lời: HOÀNG KHAI NHAN

Tiếng hát: NGUYỄN QUANG

Phụ họa: Nhóm bè CADILLAC

Hòa âm, Phối khí, Thu thanh, Mix: SONAR STUDIO



Hình ảnh: ĐINH VĂN LINH

Thực hiện video: HOÀNG KHAI NHAN




Niệm Khúc Cuối (Ngô Thụy Miên)

Niệm Khúc Cuối

Sáng tác: Ngô Thụy Miên



Tiếng hát: Hoàng Khai Nhan

Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan

Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây...

Tôi đoán, dường như "bão tố" đã thật sự "có kéo qua đây," vì vậy mới có những cánh hoa Bồ Công Anh bay bay tan tác làm thành phần nền đầy lảng bảng "hoài niệm" cho bản nhạc.

Tự dưng tôi bỗng nhớ tới những câu Thánh Vịnh:

Như bông hoa mọc trên cánh đồng
Một cơn gió thoảng cũng sẽ làm nó biến đi
Nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích...

Đã một lần "xin em như gối mộng," "cho tôi ôm em vào lòng..." vì vậy dù bây giờ cơn gió thoảng có làm cho những cánh hoa tình yêu hôm nào tan biến đi, thì bóng hình em vẫn còn mãi trong tôi.

"Dù sao, dù sao đi nữa, tôi vẫn yêu em."

Những bản nhạc Ngô Thuỵ Miên một thời tôi mê say, hôm nay được thưởng thức lại một cách "đã tai" và "mãn nhãn" bởi kết hợp từ tâm hồn tài hoa và giọng hát trữ tình của chú Hoàng Khai Nhan, thiết tưởng là một món quà tặng cho tất cả những ai yêu mến dòng nhạc Ngô Thuỵ Miên. Cảm ơn nghệ sĩ/nhạc sĩ/ca sĩ Hoàng Khai Nhan và kính chúc chú thật nhiều sức khoẻ để tiếp tục... đưa "nghệ thuật" đi đến cuối cuộc đời.

Diễm - 10/29/2019



Nắng Chiều (Lê Trọng Nguyễn)

Nắng Chiều

Nhạc và lời: Lê Trọng Nguyễn

Tiếng hát: Hoàng Khai Nhan & Vương Đức Hậu


Hình ảnh: Miss Áo Dài

Phim ảnh: Tràng An Ninh Bình by Flycam 4K

Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan

Về bài hát Nắng Chiều


Source: Bách khoa toàn thư Wikipedia

Nắng chiều là tên một ca khúc của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, được sáng tác năm 1952. Bài hát là nguồn cảm hứng cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Lê Mộng Hoàng năm 1971. Nắng chiều không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn nổi tiếng ở Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông. Tại các nước nói tiếng Hoa, bài hát được biết đến với tên 越南情歌 (Việt Nam Tình Ca) hay 南海情歌 (Nam Hải Tình Ca) do Thận Chi (慎芝) đặt lời.

Năm 1994, đạo diễn Trần Anh Hùng làm phim Xích Lô có đưa bài hát này vào làm nền cho một đoạn tình tiết không lời thoại, bài hát được hát bằng giọng Quảng Nam do hai người lính cụt chân thể hiện trong quán ăn.

Xuất Xứ, Giai Thoại

Nắng chiều được viết năm 1952, sau khi tác giả của nó về quê hương để tránh chiến tranh. Có tài liệu cho rằng "Nắng chiều" ra đời trong một lần hứng tác của Lê Trọng Nguyễn trên cầu Vĩnh Điện khi chiều xuống ở bến sông Thu Bồn.

Trong một cuộc phỏng vấn, Lê Trọng Nguyễn đã nói: "Tôi viết bản đó ở Huế, thời gian sau khi bỏ vùng kháng chiến về thành... Tâm sự tôi trong bài Nắng Chiều nó như thế này, kể anh nghe cho vui. Sau cuộc đảo chính của Nhật vào đêm 9 tháng 5 năm 1945, có một gia đình công chức Nam triều từ Quy Nhơn chạy ra tạm trú ở Hội An, mà tôi cũng ở Hội An lúc đó. Gia đình đó có một người con gái. Tôi yêu người con gái ấy!"

Năm 1954, Lê Trọng Nguyễn ra Huế và Ðà Nẵng làm việc cho cơ sở thương mại ngoài đó. Cũng chính nơi đây, có dịp quen và làm bạn cho đến chót cuộc đời nghệ sĩ sáng tác của anh, với những Minh Trang, Dương Thiệu Tước, Kim Tước, Nguyễn Hiền v.v.. Và ca khúc Nắng Chiều được xuất bản trong lúc này. Người thâu tiếng hát đầu tiên bản Nắng Chiều vào dĩa nhựa là ca sĩ Minh Trang.

Giữa năm 1955, người em gái duy nhất của anh Lê Trọng Nguyễn là Lê Thị Ba qua đời, anh quá đau buồn và đem bản Nắng Chiều ra ký giao kèo tái bản để có một món tiền tác quyền khiêm nhường đưa về quê cùng mẹ lo liệu cho em gái và chuẩn bị nuôi nấng cháu.

Năm 1957, Lê Trọng Nguyễn vào Sài Gòn. Ðúng dịp đoàn ca nhạc Nhật Bản sang thăm, ban nhạc Toho Geino có nhờ người chọn ra 12 bản nhạc Việt Nam đang nổi tiếng thời đó để chuẩn bị tập dượt và trình diễn tại Sài Gòn lẫn Nhật Bản, trong đó có bản "Nắng Chiều" và bản này đã được cô ca sĩ nhật Midori Satsuki hát.

Năm 1960, Ki Lo Ha, một ca sĩ người Hoa, cô yêu mến bản Nắng Chiều nên viết sang lời Hoa ngữ và phổ biến bản này sang Ðài Loan và Hồng Kông. Nhờ mấy may mắn đó mà Nắng Chiều cứ thế được biết tới tại ngoại quốc.

Nội Dung

Bài hát viết theo điệu Rumba, giai điệu rộn rã phối hợp giữa ngũ cung và thất cung, lời ca đầy hình ảnh, màu sắc, nhưng nội dung phảng phất nét buồn. Phần lời nói lên tâm trạng hoài tiếc của một người khi thăm lại cảnh xưa. Trông thiên nhiên, cảnh vật vẫn hồn hậu sống động, lòng ấy bồi hồi nhớ lại một hình bóng đẹp tươi, nay đã không còn:

Qua bến nước xưa lá hoa về chiều
lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa
... anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh

Bản dịch tiếng Hoa về nội dung nhìn chung vẫn giữ ý chính của bài:

我又來到昔日海邊,海風依舊吹皺海面
那樣熟悉那樣依戀,只有舊日人兒不見

(Tôi về thăm lại bến nước xưa, gió biển như năm cũ, thổi lộng vào mặt, bóng dáng cũ vẫn in đậm trong tâm trí tôi, nhưng người xưa thì không thấy nữa).

Lời bài hát

Bản gốc

Qua bến nước xưa lá hoa về chiều
lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa
khi đến cuối thôn chân bước không hồn
Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ
Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
Má em màu ngà tóc thề nhẹ vương

Nay anh về qua sân nắng
chạnh nhớ câu thề tim tái tê
chẳng biết bây giờ
người em gái duyên ghé về đâu
Nay anh về nương dâu úa
giọng hát câu hò thôi hết đưa
hình dáng yêu kiều
kề hoa tím biết đâu mà tìm

Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà
Gợn buồn nhìn anh em nói em nói: "Mến anh!"
Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi...

Bản dịch tiếng Hoa

我又來到舊日海邊
海風依舊吹皺海面
那樣熟悉那樣依戀
只有舊日人兒不見
不敢來到舊日海邊
海霞嬌豔湧著海面
那樣熟悉那樣依戀
只有故人離去多年

往事一慕慕囘
到我眼前是夢景
令人常懷念的夢景
令人懷念
何日夢景能再
回到眼前
你又在我的身邊
無限情意纏綿

不敢來到舊日海邊
海霞嬌豔湧著海面
那樣熟悉那樣依戀
只有故人離去多年


Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn | TÁC GIẢ & TÁC PHẨM

by SBTNOfficial



Không Còn Mùa Thu

Không Còn Mùa Thu

Sáng Tác: Việt Anh



Tiếng hát: Hoàng Khai Nhan

Thu thanh, Mix, Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan


Tác giả Việt Anh khi viết bài này, đã ví von "Mùa Thu" với "Tình Yêu," đặc biệt là Tình Yêu của Chàng.

Khi người yêu - "như mùa xuân đầu" - đã xa khuất, mùa thu không còn lãng mạn với hình ảnh "trăng rơi bên thềm." Lời ru ngày nào "mơ trên môi mềm," giờ chỉ còn là những tiếc nhớ khôn nguôi... "Em đi, tiếc gì thu vàng, tiếc gì xuân sang!"

Duy chỉ có một điều có thể níu mùa thu ở lại trong tâm hồn người thưởng ngoạn. Đó chính là "lời ru" ngọt ngào, trữ tình và những hình ảnh tuyệt đẹp về mùa thu từ ống kính của nhiếp ảnh gia Đỗ Tiến Trung và Sun Gallery Photography được Hoàng Khai Nhan chọn lọc và trình bày hết sức... điệu nghệ.

Nhờ vậy mà mùa thu còn mãi, còn mãi..., "mơ màng" và "quấn quít" những ai yêu mến mùa thu và tôn sùng tình yêu vĩnh cửu.

Còn thương nhớ nhau, về thắp sao trời
Còn thương nhớ nhau, từng đêm bão tố
Tóc ướt trăng thề, lời yêu chưa nói trên môi vụng về...

Hỡi những "lời yêu chưa nói," hãy "về thắp sao trời,' hãy thưởng thức ca khúc này và mạnh dạn tỏ bày... bởi vì tôi tin rằng... Vẫn Còn Mùa Thu!


Diễm - 10/21/2019




Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi

Thơ: Du Tử Lê

Nhạc: Trần Duy Đức



Cố thi sĩ Du Tử Lê


Tiếng hát: Thanh Hà

Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan





Bài đọc thêm:

Môi Còn Muối Mặn

Tạp ghi của Diễm




Khúc Thụy Du (Anh Bằng | Thơ Du Tử Lê)

Nhạc: Anh Bằng

Thơ: Du Tử Lê


Hát: Hồ Hoàng Yến

Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan



Về Bài Thơ KHÚC THỤY DU

Nhà thơ Du Tử Lê đã có những chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của bài thơ Khúc Thụy Du trên website cá nhân của ông, ngày 30/1/2010, như sau:


Cố thi sĩ Du Tử Lê
(Tranh vẽ Trần Thế Vinh)

Khi biến cố Tết Mậu Thân, 1968 xẩy ra, đó cũng là lúc cuộc tình của tôi và một nữ sinh viên trường Dược, ở Saigòn khởi đầu.

Đầu tháng 3-1968, tôi bị chỉ định đi làm phóng sự một tiểu đoàn TQLC đang giải tỏa khu ngã tư Bảy Hiền.

Lúc đó, cả thành phố Saigòn vẫn còn giới nghiêm. Trên đường đi, từ cục Tâm Lý Chiến ở đầu đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè tới khu Ngã tư Bảy Hiền, đường sá vắng tanh. Khi gần tới ngã tư Bảy Hiền, ngoại ô Saigòn, tôi thấy trên đường đi còn khá nhiều xác chết. Đó là những xác chết không toàn thây, bị cháy nám; rất khó nhận biết những xác chết là dân chúng, binh sĩ hay bộ đội CS.

Khi tới gần khu ngã tư Bảy Hiền, dù không muốn nhìn, tôi vẫn thấy rất nhiều mảnh thịt người vương vãi hai bên đường. Có cả những cánh tay văng, vướng trên dây điện… Rất nhiều căn nhà trúng bị bom, đạn. Đổ nát. Tôi cũng thấy những con chó vô chủ gậm chân, tay xương người bên lề đường… Tất cả những hình ảnh ghê rợn này đập vào mắt tôi, cùng mùi hôi thối tẩm, loang trong không khí.

Khi tới vùng giao tranh, tôi gặp người trách nhiệm cuộc hành quân giải tỏa khu chợ Bảy Hiền. Đó là thiếu tá Nguyễn Kim Tiền. Anh vốn là một bạn học thời trung học của tôi. Tiền cho biết, đơn vị của anh đang ở giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. hai bên rình rập nhau, như trò cút bắt, để tranh giành từng gian hàng, từng ngôi nhà… Anh nói tôi phải rời khỏi khu chợ, lập tức. Vì anh không thể bảo đảm sinh mạng cho tôi, dù là bạn cũ….

Trên đường về, khung cảnh hoang tàn, đổ nát với xương thịt người vung vãi khắp nơi, cùng với mùi người chết sình thối… khiến tôi muốn nôn oẹ, một lần nữa lại gây chấn động dữ dội trong tôi…

Giữa tháng 3 – 1968, nhà văn Trần Phong Giao, Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn, gọi điện thoại vào phòng Báo Chí, cục TLC, hỏi tôi có thể viết cái gì đó, cho Văn số tục bản.

Gọi là “tục bản” bởi vì sau số Xuân, khi biến cố mồng 1 Tết xẩy ra, báo Văn ngưng xuất bản. Lý do, các nhà phát hành không hoạt động. Đường về miền Tây cũng như đường ra miền Trung bị gián đoạn. Saigòn giới nghiêm. Tuy nhiên, ông nói, hy vọng ít ngày nữa, giao thông sẽ trở lại - - Thêm nữa, không thể để Văn đình bản quá lâu.

Sau khi nhận lời đưa bài cho Trần Phong Giao, tôi mới giật mình, hốt hoảng.

Tôi nghĩ, giữa tình cảnh ấy, tôi không thể đưa ông một bài thơ tình, hay một chuyện tình. Mặc dù thơ tình hay chuyện tình là lãnh vực của tôi thuở ấy. Nhưng, tôi thấy, nếu tiếp tục con đường quen thuộc kia, tôi sẽ không chỉ không phải với người đọc mà, tôi còn không phải với hàng ngàn, hàng vạn linh hồn đồng bào, những người chết tức tưởi, oan khiên vì chiến tranh nữa…

Cuối cùng, gần hạn kỳ phải đưa bài, nhớ lại những giờ phút ở ngã tư Bảy Hiền, tôi ngồi xuống viết bài thơ ghi lại những gì mục kích trên đường đi.

Viết xong, tôi không tìm được một nhan đề gần, sát với nội dung!

Bài thơ dài trên 100 câu. Nhưng khi Văn đem đi kiểm duyệt, bộ Thông Tin đục bỏ của tôi gần 1/ 3 nửa bài thơ.

Thời đó, tôi viết tay, không có bản phụ, nên, sau này khi gom lại để in thành sách, tôi không có một bản nào khác, ngoài bản in trên báo Văn (đã kiểm duyệt.)

Tuy còn mấy chục câu thôi, nhưng nội dung bài thơ, từ đầu đến cuối, vẫn là một bài thơ nói về thảm cảnh chiến tranh. Người phụ trách phần kiểm duyệt vẫn để lại cho bài thở của tôi những câu cực kỳ “phản chiến” như: “… Ngước lên nhìn huyệt lộ - bầy quả rỉa xác người - (của tươi đời nhượng lại) - bữa ăn nào ngon hơn – làm sao tôi nói được…” Hoặc: “… Trên xác người chưa rữa – trên thịt người chưa tan – trên cánh tay chó gậm – trên chiếc đầu lợn tha…” vân vân…

Nói cách khác, tình yêu chỉ là phần phụ; với những câu hỏi được đặt ra cho những người yêu nhau, giữa khung cảnh chết chóc kia, là gì? Nếu không phải là những tuyệt vọng cùng, tất cả sự vô nghĩa chói gắt của kiếp người?

Như đã nói, thời gian ra đời của bài thơ cũng là khởi đầu của cuộc tình giữa tôi và một sinh viên đại học Dược… Tôi lấy một chữ lót trong tên gọi của người con gái này, cộng với chữ đầu, bút hiệu của tôi, làm thành nhan đề bài thơ.

Nó như một cộng nghiệp hay chung một tai họa, một tuyệt lộ.

Bài thơ ấy, sau đó tôi cho in trong tuyển tập “Thơ Du Tử Lê (1967-1972).

Cuối năm, tập thơ được trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn thi ca, 1973.

Năm 1983, tôi cho tái bản cuốn thơ này sau khi được một độc giả du học tại Mỹ trước năm 1975, cho lại. Cô nói, tôi phải hứa in lại và dành bản đầu tiên cho cô…

Sau đấy, một buổi tối, nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi ở quán Café Tay Trái (tọa lạc ngay ngã tư đường Trask và Fairview.) Ông nói, ông mới phổ nhạc bài “Khúc Thụy Du.” Ông cho tôi quyền chọn người hát. Ông nhấn mạnh:

“Tôi có thể chỉ cho người đó hát…”

Thời gian đó, trong số bằng hữu giúp tôi điều hành Café Tay Trái, có nhạc sĩ Việt Dzũng. Lúc nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi, cũng là lúc Việt Dzũng có mặt; đang chuẩn bị cho chương trình ca nhạc buổi tối. Tôi giới thiệu hai người với nhau.

Khi ca khúc “Khúc Thụy Du” ra đời dạng casette, với tiếng hát của Việt Dzũng, tôi mới biết, nhạc sĩ Anh Bằng chỉ lọc, lựa một số câu thơ liên quan tới tình yêu mà, không lấy một câu thơ nào nói một cách cụ thể về chiến tranh, chết chóc… Chết chóc hay chiến tranh được hiểu ngầm, như một thứ background mờ nhạt.

Từ đó đến nay, thỉnh thoảng vẫn còn có người lên tiếng phản đối sự giản lược nội dung bài thơ của tôi vào một khía cạnh rất phụ: Khía cạnh tình yêu trong ca khúc “Khúc Thụy Du”…

Nhưng, hôm nay, sau mấy chục năm, nhìn lại, tôi thấy, ông cũng có cái lý của ông…

Du Tử Lê (1-30-2010.)

KHÚC THỤY DU

1.

như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời

như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được

như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay

trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình

trên mặt đất nhiên lặng
không tăm nào sủi lên
đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi
tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi?

2.

mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng không khép
bàn tay nàng không thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài

ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thụy ơi và thụy ơi

tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thụy ơi và thụy ơi
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết

tình yêu như ngọn dao
anh đâm mình, lút cán
thụy ơi và thụy ơi

không còn gì có nghĩa
ngoài tình anh tình em
đã ướt đầm thân thể

anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển

Du Tử Lê (3-68)



Tình Như Một Đường Gươm

Thơ: Du Tử Lê

Nhạc: Hoàng Quốc Bảo

Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan


Hát: Ngọc Mai

Hòa âm: Hoàng Quốc Bảo

Guitarist: Thiên An



Cố thi sĩ Du Tử Lê

Để tường nhớ nhà thơ mới bỏ chúng ta ra đi, mời thưởng thức "Tình Như Một Đường Gươm" thơ: Du Tử Lê, Hoàng Quốc Bảo soạn thành ca khúc năm 1973.

Ca khúc này được thu thanh năm 2017, qua tiếng hát Ngọc Mai, giảng viên thanh nhạc tại Viện Quốc Gia Âm Nhạc Saigon, hoà âm Hoàng Quốc Bảo, guitarist Thiên An.

Tháng 10, 2019, Hoàng Khai Nhan thực hiện music video.

Đây là bản nhạc áp dụng phương pháp phát triển từ câu chủ đề, thường thấy trong nhạc cổ điển Tây phương, qua sự hướng dẫn của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín.

Năm 1973, nhạc sĩ Anh Việt Thu rất hâm mộ khi xem thấy bản nhạc và nhờ Du Tử Lê liên lạc gặp gỡ trao đổi với 2 tác giả thi và nhạc sĩ tại đài phát thanh Quân đội VNCH.

Năm 1973, thu thanh lần đầu tại studio đài Tiếng Nói Tự Do, nhạc sĩ Hồ Đăng Tín phụ đệm piano, Hoàng Quốc Bảo hát.

Cũng năm 1973, tác giả đã trình diễn lần đầu tại Đại Học Dược Khoa Saigon.

Tháng 4 năm 1975, Hoàng Quốc Bảo hát trong trại tị nạn ASAN, Guam, với tiếng đàn Accordion phụ đệm của nhạc sĩ lão thành giáo sư Lê Như Khuê.

Du Tử Lê, thi sĩ cuả tình yêu, qua tác phẩm tiêu biểu này khẳng định một điều : "Sống, Chết với Cuộc Tình. Không ngoài gì khác."

(HQB Quận Cam tháng 10-2019)




Chiêu Niệm Khúc (Diệu Hiền hát)

Nhạc: Hoàng Quốc Bảo & Hoàng Khai Nhan (viết năm 1968)

Lời: Hoàng Quốc Bảo (viết năm 2017)

Hát: Diệu Hiền (8/2019)

Hòa âm: Hoàng Quốc Bảo & Quang Đạt (2017-2019)

Phối khí & Mix: Quang Đạt (8/2019)

Hình ảnh: Dương Quốc Định

Phim ảnh: Aqua Geo Graphic

Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan (8/2019)




Ca sĩ Diệu Hiền
(photo by Quang Đạt)

Diệu Hiền Hát Chiêu Niệm Khúc





Below is Soundtrack with Melody (Female):

Below is Soundtrack with Beat Only (Female):

Below is Soundtrack with Beat Only (Male):





Ngậm Ngùi (Phạm Duy & Huy Cận)

Ngậm Ngùi

'

Thơ: HUY CẬN

'

Nhạc: PHẠM DUY


'

Hát: HOÀNG KHAI NHAN

Mix & Thực hiện video: HOÀNG KHAI NHAN



Click here
to play directly from YouTube!





Giọt Mưa Trên Lá

Nhạc và lời: Phạm Duy

Hát: Vương Đức Hậu, Phạm Gia Nghị, Hoàng Khai Nhan

Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan




Lệ Đá

Nhạc: Trần Trịnh

Lời: Hà Huyền Chi


Hát & Thực hiện video:
Hoàng Khai Nhan



Vài Giòng Về "Lệ Đá"


Hà Huyền Chi


Lệ Đá, trước hết, không phải là một bài thơ phổ nhạc. Phải nói là tôi đã đặt lời cho bản nhạc (vốn không tên) của Trần Trịnh mới đúng. Do một cơ duyên đặc biệt, Trung sĩ Nguyễn Văn Đông, chơi Clarinet, giới thiệu Trần Trịnh với tôi:

-Nhạc Trần Trịnh khá lắm, nhưng rất ít người biết đến. Xin anh giúp thằng bạn em một lần, đặt lời ca giùm cho nó.

Tôi rất cảm mến Đông, nhưng liền lắc đầu:

-Em biết là anh vốn mù nhạc mà

Đông tha thiết:

-Em biết chứ, nhưng em thành thực nghĩ rằng chỉ có anh mới giúp được nó.

Trần Trịnh cười hiền:

-Xin anh giúp cho, Tôi nghĩ là sẽ có cách...

Tôi thẳng thắn đặt điều kiện:

-Nể thằng em, coi như tôi thuận trên nguyên tắc. Tuy nhiên, tôi cần nghe anh đàn bản nhạc này vài lần để có khái niệm về nhạc tính. Và tôi cũng cần ý kiến thẩm định về nhạc thuật của bài này với những Pianist như Dzương Ngọc Hoán.

Chúng tôi kéo nhau lên đài phát thanh Quân Đội Trần Trịnh ngồi vào Piano và điều ngạc nhiên là tôi ưa ngay cái âm hưởng buồn ngất ngây dịu nhẹ, rất Pianissimo ấy, melody thật tha thiết, ngọt ngào, bắt nhĩ. Khi ấy Đông đã kéo Dzương Ngọc Hoán qua và Hoán khen bản nhạc này không tiếc lời, khiến tôi có ngay quyết định giúp Trần Trịnh. Sau phần thảo luận, chúng tôi tự chế ra một quy ước riêng. Trần Trịnh ghi dưới các nốt nhạc chữ "o" cho những từ không dấu (bình thanh) / Dấu "huyền" cho các từ mang dấu huyền, hỏi, nặng / "sắc" cho các từ mang dấu sắc, ngã.

Tiếc là khi ấy loại máy cassette còn chưa được phổ biến. Tôi nghe Trịnh đàn thêm vài lần nữa và cố gắng nhập tâm cái âm hưởng của bản nhạc. Và tôi bắt đầu chơi ô chữ.

Hôm sau, tôi đem đến Trần Trịnh lời ca thứ nhất của Lệ Đá. Kết quả ngoài sức tượng tượng tôi, là không biết bằng cảm hứng nào đó, tôi đã hoà được cái rung cảm đích thực của thơ tôi cho nhạc Trịnh. Trần Trịnh mừng rỡ tới sững hồn. Anh và Hoán cùng hân hoan hát Lệ Đá khiến tôi cũng choáng ngợp niềm vui:

"Hỏi đá xanh rêu bao nhiều tuổi đời
Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời
"

Lập tức tôi viết lời 2. Buổi trưa nắng gắt, dưới mái tôn thấp lè tè của quán cơm lính trong trại, trên chiếc bàn bọc nhôm nóng bỏng, cáu bẩn, tôi thả hồn bay với Lệ Đá. Tôi viết thật dễ dàng, và khóc cũng dễ dàng với:

"Người đi, đi mãi không về
Thời gian xóa vội câu thề
Bóng anh nhạt nhoà bóng núi
Em với tình yêu trăng soi
Tượng đá kiên trinh ru con đợi chồng
Nhạc lá thu mưa hay chân ngựa hồng...
"

Tôi cứ vừa viết vừa khóc thế đó, như khi ngồi chép lại những dòng này. Tôi bỏ dở bữa ăn, đem lời 2 lên đài Quân Đội. Gặp Nhật Trường trước phòng vi âm. Tôi đưa Lệ Đá ra khoe Nhật Trường hát ngay với nỗi hân hoan bốc lửa. Hắn túm ngay lấy Trần Trịnh đòi soạn cấp kỳ hoà âm cho ban nhạc và 2 bè khác cho Mai Hương, Như Thuỷ. Khoảng nửa giờ sau Lệ Đá được thâu cấp kỳ. Nhật Trường, Mai Hương, Như Thuỷ, mỗi nguời trên tay một bản Lệ Đá "mì ăn liền" say mê hoà ca với nỗi xúc động đồng thiếp. Take one Good take! Hát và thâu hoàn chỉnh ngay lần thứ nhất.

Nhật Trường như bay ra khỏi phòng vi âm ôm lấy tôi và Trần Trịnh:

-Ông đặt lời thần sầu . Bản này sẽ là Top Hit.

Tôi nhún nhường:

-Top Hit được là nhờ nhạc Trần Trịnh bay bổng như diều đấy chứ.

Nhật Trường cướp lời:

-Nhưng ông là gió lớn. Đại phong...

(Trích bài Lê Tạo phỏng vấn HHC, điện báo VHNT)

Hà Huyền Chi

Mời click vào link dưới đây để nghe thêm Hoàng Lan Chi đọc bài viết của Hà Huyền Chi, và phỏng vấn nhạc sĩ Trần Trịnh. Cũng như nghe tiếng hát của Nhật Trường, Lệ Thu, Y Phương qua tác phẩm "Lệ Đá."


Lệ Đá Từ Nhạc Đến Lời