Tản Mạn "Nắng Chiều"

Chuyện Tản Mạn của

Diễm


Mấy hôm nay, bỗng dưng tôi bắt gặp tâm hồn mình đang "trôi" giữa... nắng chiều, một "nắng chiều" lãng đãng trong thi nhạc.

Khởi đầu từ một dự án có dính dấp đến "Lão Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng." Nhà thơ lão thành 87 tuổi với mái tóc trắng như bông đã tự gọi mình như vậy. Chính ông khi diễn đọc bài thơ mới viết với tựa đề "Cho Một Hồn Không Tuổi" trong đó có đoạn như sau:

Khi em nói yêu anh
Anh trẻ ra trăm tuổi
Yêu em, anh nói với
Tiếng nói đáy lòng mình

Một trinh nguyên ngôn ngữ
Của bảy sắc cầu vồng
Của châu thắp thinh không
Một chiều vàng rực lửa

Hình ảnh ẩn dụ "một chiều vàng rực lửa" trong câu thơ cuối qua cách biểu cảm bằng ngôn ngữ cơ thể và giọng nói của ông đã khiến tôi bàng hoàng xúc động khi nhận ra đúng là "Tình Yêu không có tuổi."

Bất giác, tôi liên tưởng đến một bài hát khác cũng lấp lánh hình ảnh ẩn dụ về tình yêu như vậy, đó là bài "Nắng Chiều Rực Rỡ" của cố nhạc sĩ Phạm Duy, trong đó có câu "Nắng chiều hồng tươi hơn nắng trưa."


Nắng Chiều Rực Rỡ (Phạm Duy) Tuấn Ngọc hát
Hoàng Khai Nhan thực hiện video

Hình như tôi đã đọc câu chuyện về huyền thoại ra đời của nhạc phẩm này trong Hồi Ký Phạm Duy thì phải. Trong đó, ông kể lại giữa lúc ông rơi vào vực sâu của dòng suối đời tưởng đã cạn khô cảm xúc, bất ngờ ông gặp lại được "nàng thơ" trong một buổi họp mặt với bạn bè. Cảm xúc về tình yêu sống lại trong lòng ông, bùng lên mạnh mẽ như tia nắng chiều trước lúc hoàng hôn. "Nắng chiều hồng tươi hơn nắng trưa" là vậy!

Tuy nhiên, còn có một nhạc phẩm nữa mà sức phổ biến đúng là một vạt nắng loang xa và in sâu trong lòng người mộ điệu âm nhạc, đó là bài "Nắng Chiều" của Lê Trọng Nguyễn.

Khác với thi sĩ Cung Trầm Tưởng và nhạc sĩ Phạm Duy như đã kể trên, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sáng tác "Nắng Chiều" trong giai đoạn "bình minh" của cuộc đời ông lúc mới 26 tuổi (1952).

Người nhạc sĩ đã đặt bút viết lên những cảm xúc dấy lên ngập lòng trong một buổi chiều gợi nhớ:

Qua bến nước xưa lá hoa về chiều
lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa
khi đến cuối thôn chân bước không hồn
Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ...

Nay anh về qua sân nắng
chạnh nhớ câu thề tim tái tê
chẳng biết bây giờ
người em gái duyên ghé về đâu

Giai điệu Rumba có chút rộn rã pha lẫn bồi hồi nhung nhớ đã khiến cho sức lan toả của "Nắng Chiều" "loang" xa vượt khỏi biên giới Việt Nam qua đến Nhật, Đài Loan và Hồng Kông.

Tuy nhiên, khó ai ngờ là có một câu trong bản nhạc buổi chiều hôm ấy lại trở thành "bất hủ" nơi cửa miệng của rất nhiều người khi... hoài niệm: "Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy...” Hi hi... Có lẽ vì vậy mà "Nắng Chiều" bước vào điện ảnh trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Lê Mộng Hoàng năm 1971, và trong phối cảnh của bộ phim "Xích Lô" của đạo diễn Trần Anh Hùng bên Pháp sau này.

Vô hình trung, hai chữ "Nắng Chiều" thoạt nghe rất đỗi dịu dàng nhưng lại "rực lửa," "rực rỡ," và làm cho "tim tái tê" như vậy đó.

Hôm nay, có một người cất tiếng hát bằng tâm hồn đầy tài hoa của mình "trôi" lãng đãng giữa giai điệu "Nắng Chiều" gợi nhớ.

Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi...

Liệu rằng giọng hát này có đủ mãnh lực "nhung nhớ" khiến cho "nắng chiều ngừng trôi?"

Xin trân trọng kính mời quý vị thưởng thức.

Diễm

September 5, 2019



No comments:

Post a Comment