Tỳ Bà (nhạc Phạm Duy, thơ Bích Khê)

Nhạc: Phạm Duy

Thơ: Bích Khê

Tiếng hát: Minh Oanh

Tiếng đàn: Mai Trung

Thu âm: Phòng Trà Nhạc Xưa



Hình ảnh: Cổ Trang từ Internet

Phim ảnh: Truyền Thuyết của Nhất Tiễn Mai

Dựng clip: Hoàng Khai Nhan



Thi sĩ Bích Khê (1916-1946) tên thật là Lê Quang Lương; là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam thời tiền chiến. Ngoài bút hiệu Bích Khê, ông còn ký bút hiệu Lê Mộng Thu khi sáng tác thơ Đường Luật.

Năm 1931, 15 tuổi, ông đã biết làm thơ Đường Luật, Ca Trù. Năm 1934, cùng người chị ruột tên Ngọc Sương vào Phan Thiết học thêm và mở trường dạy học tư. Năm 1936, chị Ngọc Sương bị mật thám Pháp bắt, trường đóng cửa, ông trở lại quê nhà.

Năm 1937, ông bị bệnh phổi, sau khi điều trị trở về lên sống trên núi Thiên Ấn thuộc Quảng Ngãi, ông lại ngược xuôi trên một chiếc thuyền quanh các ngả Sa Kỳ – Trà Khúc. Năm 1938, ông lại cùng chị Ngọc Sương (khi ấy đã được thả) vào Phan Thiết mở trường dạy học, được vài năm lại bị chính quyền Pháp ra lệnh đóng cửa.

Năm 1941, ông dạy học ở Huế. Năm 1942, bệnh phổi tái phát, ông trở về Thu Xà thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, và qua đời ngày 17 tháng 1 năm 1946. Ông thọ 30 tuổi.

Trước khi đến với Thơ Mới, một thời gian dài (1931-1936), Bích Khê đã viết Ca Trù, thơ Đường Luật, và đăng trên các báo Tiếng Dân, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Người Mới… Sau 1937, ông chuyển hẳn sang làm “Thơ Mới” do sự tác động của Hàn Mặc Tử và chịu nhiều ảnh hưởng của nhà thơ yểu mệnh này…

Các sáng tác của Bích Khê gồm:

– “Tinh Huyết” (1939): tác phẩm duy nhất ra đời khi ông còn sống và rất được người yêu thơ chú ý.

Bốn tập thơ và một tập tự truyện chưa xuất bản, gồm:

– “Tinh Hoa” (sáng tác từ 1938 đến 1944)

– “Mấy Dòng Thơ Cũ” (tập hợp khoảng 100 bài thơ Đường Luật đã đăng trên các báo từ 1931-1936)

Người lưu giữ thơ Bích Khê đầy đủ nhất là thi sĩ Quách Tấn. Năm 1971, Quách Tấn viết và cho xuất bản cuốn “Đời Bích Khê”. Năm 1975, ông cho in “Thơ Bích Khê” (Nhà xuất bản Nghĩa Bình, 1988) và “Bích Khê Tuyển Tập” (Hà Nội, 1988)…

“Dị Khúc” – gồm 10 bài phổ từ những bài thơ nổi tiếng của Bích Khê: “Nghê Thường”, “Tranh Lõa Thể”, “Tôi Chết Rồi”, “Sầu Lãng Tử”, “Hoàng Hoa”, “Thi Vị”, “Một Cõi Trời”, “Mơ Tiên”, “Tỳ Bà”, “Huế Đa Tình”.

Thi phẩm “Tỳ Bà”

(Thi sĩ Bích Khê)

Vàng sao nằm im trên hoa gầy
Tương tư người xưa thôi qua đây
Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề
Hoa vừa đưa hương gây đê mê

Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung Thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang

Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi
Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi

Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông.

Theo nhạc sĩ Phạm Duy, ông chọn ra 10 bài thơ của thi sĩ Bích Khê để phổ thành nhạc và đặt tên là Dị Khúc Bích Khê. “Dị” ở đây vừa mang nghĩa bình dị, vừa là quái dị. Có rất nhiều bài thơ của Bích Khê làm người ta tưởng có gì đó quái dị, nhưng thật ra nó rất bình dị và ngược lại. Bích Khê làm thơ theo lối gán ghép, tượng trưng nên phải tinh tế lắm mới hiểu được ý thơ của ông ấy. Thơ Bích Khê nói nhiều đến tính dục. Hơn bảy chục năm trước mà dám nói về những điều bị coi là cấm kỵ như thế, Bích Khê là rất "dị."

"Bích Khê là một trong những thi sĩ thuộc trường phái tượng trưng xuất hiện ở Việt Nam vào những năm ba mươi, bên cạnh Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… Tập thơ Tinh Huyết của ông đã làm rúng động văn đàn lúc bấy giờ khiến thi sĩ họ Hàn phải gọi đó là “những đóa hoa thần dị”. Thơ Bích Khê là sự giao lưu giữa thơ cổ và thơ hiện đại, giữa kiến trúc, nghệ thuật, âm nhạc và hội họa. Đặc biệt, trong lối tạo hình, ông sử dụng một phương pháp mới: Phương pháp cách gián. Sau Hồ Xuân Hương, có thể nói Bích Khê là người tiêu biểu trong việc xưng tụng xác thịt và cái đẹp lõa thể. Ông khác những thi nhân cùng thời ở chỗ, ông xem cõi âm ty không phải là địa ngục mà là thiên đường. Đối với Bích Khê, cái chết chính là giới hạn cuối cùng để thăng hoa trở về sự sống cùng tâm hồn chưa từng hết cuồng say."

( theo Phạm Duy )

TÌNH TANG
TÔI NGHE NHƯ TÌNH LANG…

Bài Tỳ bà của Bích Khê thể hiện sự mới lạ, dựa trên tinh thần Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị – Một tác phẩm có sự giao thoa giữa cảnh sắc và âm nhạc trong bút pháp thần diệu với những lời tuyệt tác: “Cung đàn trọn khúc thanh tao/ Tiếng buông xé lụa, lựa vào bốn dây/ Thuyền mấy lá đông tây lạnh ngắt/ Một vầng trăng trong vắt lòng sông” (Tỳ bà hành diễn nôm, bản dich của Phan Huy Thực).

Tuy dựa vào tinh thần của Tỳ bà hành, nhưng Tỳ bà của Bích Khê đã thay đổi toàn diện bối cảnh, cấu trúc âm nhạc, cấu trúc hình ảnh để tạo nên thi phẩm có sự giao lưu giữa thơ cũ và thơ hiện đại. Bích Khê đã sử dụng thi pháp khá mới lạ lúc bấy giờ. Và từ đó đến nay, có khá nhiều người theo thủ pháp này. Nhưng xem ra ít người thành công được như ông.

Trước hết, đây là bài thơ dùng toàn vần bằng. Lối bình thanh này đã tạo ra âm hưởng buồn sâu lắng, cảm giác trong nhẹ dễ thăng hoa. Cảm giác lâng lâng trộn hòa nhiều cảm xúc ấy như dẫn dụ hồn người vào cõi xa xăm mơ hồ đầy quyến rũ. Để rồi như lạc vào cõi mộng với bao thi vị. Và cấu trúc âm nhạc trong bài thơ dựa vào âm bằng đã tạo ra âm thanh nổi thật quyến luyến, thiết tha về cõi xa mờ không thể nào dứt bỏ: "Vàng sao nằm im trên hoa gầy / Tương tư người xưa thôi qua đây / Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề / Hoa vừa đưa hương gây đê mê."

Về mặt tạo hình, Bích Khê đã dùng thủ pháp cắt dán. Các hình ảnh được cắt dán rồi xếp cạnh nhau, nhưng chẳng dính dáng gì với nhau: Vàng sao nằm im trên hoa gầy . Vàng sao, hoa gầy hai thực thể vô tri lại nằm im trên nhau, ngỡ như thi nhân đã tạo ra câu thơ “vô nghĩa”! Điều này hiếm thấy trong thơ ca xưa nay. Bích Khê đem hình ảnh sao vàng (ở trên trời) xuống cho “nằm im” trên hoa gầy (ở dưới đất).

Theo tôi, sao và hoa là hai hình ảnh (có thể là biểu tượng) cho sự vượt tài, sự ngưỡng vọng và ái mộ của con người được đặt gần nhau tạo ra bức tranh nhiều ấn tượng. Bức tranh ấy chỉ gây cảm xúc mà không mô tả. Vì vậy đã tạo cho người đọc, không thấy rõ hiện tượng mà chỉ thấy hình tượng: Vàng sao nằm im trên hoa gầy rồi mơ hồ nhận ra một ấn tượng nào đó để tự mở ra trường liên tưởng theo chiều kích khác nhau, theo dòng cảm xúc khác nhau. Phải chăng, đấy cũng là phương pháp tượng trưng trong thơ Bích Khê.

Cùng đi tới mục đích diễn tả “mây mưa” trong quan hệ tình ái, Bích Khê làm động tác cắt dán. Còn Hàn mặc Tử lại làm động tác tưởng tượng: Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối. Nguyễn Gia Thiều lại dùng biện pháp ẩn dụ: Bóng gương lồng bóng đồ mi chập chờn. Như vậy cường độ cảm xúc trong “việc” ấy của mỗi thi nhân có phần khác nhau.

Khi đọc đến câu: Tương tư người xưa thôi qua đây thì trường liên tưởng được hé lộ, chứ không phải mở toang. Âm hưởng buồn thương như được khơi gợi trong lòng người đọc. Và nhà thơ đã đảo lộn trật tự thời gian để tạo ra nghịch cảnh, nghịch lí chăng? Vì với câu trên Vàng sao nằm im trên hoa gầy mô tả sự khắng khít xác thịt. Còn câu dưới: Tương tư người xưa thôi qua đây lại vừa đang yêu: Tương tư, vừa tan vỡ: người xưa thôi qua đây. Vốn dĩ trong tình yêu thường đi qua giai đoạn: tương tư, rồi khắng khít, rồi vì lí do nào đó lại chia xa. Nhưng ở đây tác giả lại viết theo hướng đảo lộn.

Theo tôi, sở dĩ có sự đảo lộn ấy, là vì thi nhân đã bị ám – ngộ, rồi chiêm vọng bởi những cuộc tình thi vị và thủy chung đi qua đời ông như Song Châu, Bích Thủy, Ngọc Kiều… Rồi khát khao tìm về như vẫn còn khắng khít. Điều này tôi thử làm một phép trắc nghiệm đọc ngược đoạn thơ và cả bài thơ, như ngược dòng thời gian tìm về một thuở để cùng thi nhân đang đi vào cõi mộng.

Nói cách khác, bằng nghệ thuật cắt dán, Bích Khê đã tạo ra bức tranh, lấy hình ảnh tượng trưng cho tình yêu đôi lứa từ cõi xa mờ về lại rất gần. Rồi tương tư, rồi chiêm vọng, rồi hoài tưởng. Thi nhân đã tạo ra tri giác xa mà gần, gần mà xa và thực mà ảo, ảo mà thực quyện hòa. Điều này dễ nhận ra khi đọc hai câu thơ: Vàng sao nằm im trên hoa gầy/ Tương tư người xưa thôi qua đây một cách liền nhau.

Đồng thời, nhiều người vẫn đồng ý rằng, không nên đọc thơ Bích Khê như thơ cổ điển hay thơ mới. Mà nên đọc thơ ông như đang xem tranh khi ấn tượng, khi lập thể, khi siêu thực, khi từu tượng. Và khi bước vào thơ Bích Khê như lạc vào cõi mộng đầy huyền diệu và quyến rũ. Khi nhập thân vào cõi mộng, con người hoàn toàn tin vào sự tồn tại khách quan của những ảo huyền do mình tưởng tượng ra. Vì vậy, nếu theo quan điểm này thì “nàng” có thể là người yêu, có thể là nàng thơ. Và không thể cho rằng “hoa gầy” làm sao“ đưa hương đê mê”. Bởi thơ Bích Khê đem đến sự hưởng lạc cho trí, hưởng lạc cho tâm, Đấy là trực giác của tưởng tượng và trực cảm của lãng mạn: Tôi qua tim nàng vay du dương/ Tôi mang lên lầu lên cung Thương/ Tôi không bao giờ thôi yêu nàng/ Tình tang tôi nghe như tình lang.

Thế rồi cái âm hưởng tình tang cứ quyện hòa trong tình lang. Để rồi thi nhân thốt lên: Tôi không bao giờ thôi yêu nàng. Cái tình xưa cứ ám gợi, cứ mê hoặc rồi miên man trong lòng thi nhân, rồi khát khao kiếm tìm trong mộng tưởng. Và cái xa xăm, huyền hồ, ẩn giấu những khát vọng và sự sùng mộ lớn nhất của con người đấy là “Đào Nguyên”. Dẫu là mộng tưởng nhưng cảm giác xa xăm lại rất rất gần gũi cứ thôi thúc thi nhân kiếm tìm “Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi”. Đoạn thơ như chùng xuống, gây mềm lòng người đọc bởi sự khát khao trong thi vị: Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi/ Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi/ Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi/ Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi.

Tất cả chỉ còn trong mộng. Nỗi buồn như đã định vị, đã nhập sâu trong lòng thi nhân kể từ những cuộc tình xa, những nỗi đau bệnh hoạn chăng? Và từ đó ý niệm “buồn” đã dịch chuyển từ cõi lòng thi nhân đến “lưu cây đào tìm hơi xuân” rồi dịch chuyển theo vòng tuần hoàn của mùa trong trời đất: Buồn sang cây tùng thăm đông quân. Dòng cảm xúc ấy vẫn đi theo trực giác tưởng tượng và trực cảm lãng mạn theo chủ nghĩa siêu thực. Thế rồi lại rơi vào thảng thốt: Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.

Cây đào, cây tùng vừa mang biểu tượng cho mùa, vừa mang ý niệm siêu việt. Qua nỗi lòng thi nhân cũng nhóm lên nỗi buồn: “Buồn lưu cây đào”, “buồn sang cây tùng”. Giờ lại: “buồn vương cây ngô đồng”. Như vậy ý niệm “buồn” cứ miên man trong lòng thi nhân. Nhưng cái buồn ấy không bi lụy mà sang trọng trong cõi vô thường.

Ngô đồng. Loại cây đại diện cho sự quý phái, vương giả. Thực tế ngô đồng thường đứng đơn điệu, chơi vơi một mình. Tuy vậy vẫn tạo ra phong thái thanh tao dịu dàng. Khi đến mùa cây trổ hoa sắc tím như buồn vương trên cao, như tạo nên nỗi bâng khuâng lơ lửng trên bầu trời xứ Huế. Và khi mùa hoa nở, lá rụng càng nhiều. Những chiếc lá vàng khẽ khàng bay trong gió mà gieo vào lòng người bao cảm xúc.

Bích Khê đã từng học tập, dạy học ở Huế. Ông đã chiêm cảm được điều này. Giờ những chiếc lá vàng rơi trong chiều gió xa xăm hiện về trong tâm thức, cùng nỗi riêng mà ông nhận ra sắc vàng mang mang trời đất và chỉ có sắc vàng và vàng dệt nên Thu mênh mông. Một cách cảm nhận mùa thu quá đỗi tuyệt vời trong rất ít ngôn từ. Chỉ hai câu thơ thôi mà Bích Khê đã vẽ nên một mùa thu man mác buồn. Nỗi buồn của thi nhân trước cõi phù trầm dâu bể, mà trở về với linh ngã. Chính vì vậy Hoài Thanh khi đọc đến những dòng thơ này đã hết lòng xưng tụng: “Tôi gặp trong Tinh huyết những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam”: Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”.

(BÙI HUYỀN TƯƠNG – Trường THCS Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi)

Source: Tỳ Bà thơ Bích Khê, Phạm Duy phổ nhạc



Buồn Nào Như Lá Bay (Quang Tuấn hát)

Nhạc & Lời: Hoàng Khai Nhan





Đàn & Hát: Quang Tuấn

Thu âm: Quang Tuấn

Mix: Hoàng Khai Nhan

Hình ảnh: Thanh Tâm

Video: Hoàng Khai Nhan









Please leave your comments below.
Thank you so much for your time!


Mấy Độ Tình Phai (Nhiều Ca Sĩ hát)

Sáng tác: Hoàng Khai Nhan

Ý thơ: Đắc Trung

Tiếng hát: Hoàng Khai Nhan

Hòa âm & Phối khí: Trần Duy Đức

Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan









Các Ca Sĩ Khác



Tiếng hát & Bè: Vương Đức Hậu

Thu âm: Vương Đức Hậu

Mix & Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan




Tiếng hát: Trà My Kim Hậu

(Phòng nhạc Trà My KH - Nha Trang - Việt Nam)



Tiếng hát: Bích Huyền

Guitarist: Phi Võ

Thực hiện video: Phòng Trà Guitar Mộc - Phan Thiết

Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan



Tiếng hát: Minh Oanh

Guitarist: Mai Trung

Thực hiện video: Phòng Trà Nhạc Xưa - Phan Thiết




Tiếng hát: Minh Oanh

Guitarist: Mai Trung

Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan




Tiếng hát: Nguyễn Quang

Hòa âm & Phối khí: Trần Duy Đức

Hình ảnh: Dương Minh Photography

Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan















Please leave your comments below.
Thank you so much for your time!