Tiếng Đàn Tôi (Phạm Duy)

Nhạc & Lời: Phạm Duy

Hòa âm: Quốc Dũng

Tranh: Nguyễn Sơn

Phim ảnh: Dennis Schmelz

Mix & Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan



Tiếng hát:
Hoàng Khai Nhan
Phạm Gia Nghị
& Vương Đức Hậu





Đêm Xuân (Phạm Duy)

Đêm Xuân

Nhạc & Lời: Phạm Duy

(Nơi & năm viết: Chợ Neo Thanh Hóa 1949)

Tiếng hát: Hoàng Khai Nhan

Thu thanh, Mix & Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan

(California Tháng 8, 2019)




Nhạc sĩ Phạm Duy

"...1948. Tôi lấy vợ. Khởi sự một niềm hạnh phúc dài 50 năm và còn hơn thế nữa, dù nhà tôi đã qua đời sau nửa thế kỷ chung sống với nhau. Cũng là sự khởi đầu của những ca khúc mùa Xuân trong sự nghiệp có rất nhiều những chủ đề khác. Có thể nói tôi soạn bài xuân ca đầu tiên là ĐÊM XUÂN để tặng cho người vợ yêu quý vừa kết hôn là Thái Hằng. Bài này đậm đà, thắm thiết, chứa chan hạnh phúc. Trong sáng tác, đây là lần thứ sáu tôi nói tới cây đàn. Bây giờ là tiếng đàn báo tin Xuân đã về và hạnh phúc đã tới..."

Trích từ: Những Xuân Ca Trong Đời Tôi của Phạm Duy



Hoàng Hạc Lâu

黃鶴樓

Thơ Đường: Thôi Hiệu

Dịch Qua Thơ Việt: Vũ Hoàng Chương

Nhạc: Cung Tiến

Tiếng Hát: Quỳnh Giao

Phim Ảnh: Early Spring in the Yellow Crane Tower

Thực Hiện Video: Hoàng Khai Nhan


黃鶴樓

昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。

Hoàng Hạc lâu

Thôi Hiệu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch nghĩa

Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi,
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc.
Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại,
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không.
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một,
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi.
Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
Trên sông khói toả, sóng gợn, khiến người sinh buồn!

Bản Dịch Của Tản Đà

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Bản Dịch Của Vũ Hoàng Chương

Xưa Hạc Vàng bay vút bóng người,
Nay lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi.
Vàng tung cánh hạc đi đi mãi,
Trắng một màu mây vạn vạn đời.
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu,
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi.
Gần xa, chiều xuống, đâu quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!

Thủ Bút Của Thi Sĩ Vũ Hoàng Chương


Thủ bút của thi sĩ Vũ Hoàng Chương



Vũ Hoàng Chương – Cung Tiến
và Hoàng Hạc Lâu


Quỳnh Giao


Thi sĩ Vũ Hoàng Chương thời trẻ

Sinh tiền, Vũ Hoàng Chương là thầy dạy Việt văn của Cung Tiến. Ông sinh năm 1916, trước người nhạc sĩ tên tuổi này 22 năm. Nhưng với thói quen khoáng đạt của một nhà thơ, ông không hề câu nệ, vẫn coi Cung Tiến như người bạn vong niên hơn là một đứa học trò.

Có lần ông nói đùa. Rằng Cung Tiến phổ thơ biết bao người mà chưa từng phổ thơ Vũ Hoàng Chương! Cung Tiến không quên điều ấy nhưng biến cố 1975 đã ụp trên cả nước và người nhạc sĩ thì lưu vong ra ngoài, còn nhà thơ kẹt lại ở bên trong với những Mai Thảo, Phạm Ðình Chương, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Xuân Ninh, Phan Lạc Phúc, v.v...

Trong nỗi bi phẫn về cảnh bạn bè tán lạc, Vũ Hoàng Chương đã cảm dịch bài thơ Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng của Thôi Hiệu, rồi nhờ bạn bè chuyển được ra ngoài, đến tay Cung Tiến khi ấy còn ở Canberra bên Úc… Thôi Hiệu là nhà thơ khét tiếng thời Thịnh Ðường vào đầu thế kỷ thứ tám. Bài thơ của ông khiến một người như Lý Bạch còn nghẹn lời không dám viết về lầu Hoàng Hạc nữa và được Kim Thánh Thán ngợi ca là “bút pháp tuyệt kỳ, tác phẩm đệ nhất cổ kim trong thơ Luật.

Ðấy cũng là bài được người mình dịch sang Việt ngữ nhiều nhất. Có người đếm ra hơn bốn trăm bản dịch khác nhau, từ Tản Ðà, Ngô Tất Tố đến Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Nguyễn Ðức Hiển, v.v... Với Cung Tiến và nhiều bằng hữu thì bài cảm dịch của Vũ Hoàng Chương là một sự tuyệt mỹ vì tâm cảnh mọi người vào lúc đó...


Nhạc sĩ Cung Tiến

Từ bên ngoài, nhận được bản dịch, Cung Tiến nhớ thầy, nhớ bạn và nhớ lại cung cảnh xa xưa nên đã xuất thần phổ nhạc rất nhanh và tìm cách gửi về ngay năm sau. Nhưng không kịp nữa. Vũ Hoàng Chương bị cầm tù và bị kiệt sức mới được thả ra và tạ thế sau đó năm ngày nên không bao giờ được nghe ca khúc này. Bây giờ nhớ lại thì xin ghi bài cảm dịch của ông để chúng ta khỏi quên và cùng thưởng thức:

“Xưa hạc vàng bay vút bóng người
Ðây lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc đi đi mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiều xuống nào quê quán
Ðừng giục cơn sầu nữa, sóng ơi…”

Khi còn sống, ông Nguyễn Ðức Hiển tại Houston Texas cho rằng bản dịch Vũ Hoàng Chương “còn hay hơn nguyên bản, mà nguyên bản vốn đã hay tót vời.” Ông Hiển có thể nói không ngoa vì bản thân đã dịch đi dịch lại mười mấy lần bài thơ của Thôi Hiệu! Ông còn dụng công so sánh hai câu thực của nguyên bản, gồm sáu thanh trắc liên tiếp:

“Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du”

Với câu “thực” do Vũ Hoàng Chương để lại mà ông cho là ảo diệu hơn:

“Vàng tung cánh hạc đi đi mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời…”

Khi đọc lại, làm sao mình không ngậm ngùi với những chữ tuyệt diệu như “vút” bóng người, hay chút “thơm” rơi…? Và câu kết, “Ðừng giục cơn sầu nữa, sóng ơi!”, nghe thê thiết hơn vần lục bát của Tản Ðà:

“Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!”

Cung Tiến đưa Hoàng Hạc Lâu vào nhạc với phần hòa âm soạn cho dương cầm và viết trên cung Ré giáng Trưởng, nhịp 4/4 chậm rãi tha thiết – andantino – và ý nhị. Piano mở đầu bằng hai ô nhịp, hai mesures, viết lối Arpège chùm hai nốt, thánh thót, êm đềm. Rồi lời ca cất lên bồi hồi day dứt như một truyện kể, mà dùng phép tả cảnh để tả tình:

“Xưa hạc vàng bay vút bóng người…
Ðây lầu Hoàng Hạc chút (ứ ư) thơm rơi…”

Ðàn piano lại rải, nghe như tiếng chim hót, và cứ thế ca khúc dẫn người nghe vào một bức tranh cổ, với cánh hạc vàng ẩn hiện sau vầng mây bạc có nắng chiếu, có cây bến Hán Dương u buồn và cỏ bờ Anh Vũ vắng vẻ, chẳng còn ai chơi…

Ðoạn nhạc chuyển tiếp nỉ non đan lượn những ngậm ngùi rồi chợt mở ra tâm sự kẻ tư hương, nhớ quê, nhớ bạn…

“Gần xa chiều xuống nào quê quán
Ðừng giục cơn sầu nữa (ư ứ), sóng (à à) ơi…”

Rồi đàn lại buông arpège hai nốt nhẹ nhàng, lãng đãng chìm khuất, mơ hồ như cánh hạc vàng tan trong khói sóng…

Toàn bài, Cung Tiến dùng âm giai ngũ cung đầy chất Ðông phương với nét nhạc thanh thản, nhuốm vẻ Lão Trang và phảng phất giai điệu Claude Debussy trong bài “Clair de Lune.” Cung Tiến rất chuộng Debussy khi nhạc sĩ người Pháp này khám phá nhạc Á Ðông vào đầu thế kỷ trước. Debussy cũng dùng hợp âm ngũ cung và cũng lấy “Arpège” rải tay trái và đưa ra một hợp âm lạ tai mà hài hòa êm ái…..

Bài “Hoàng Hạc Lâu” là viên ngọc quý của thơ Ðường. Bản dịch Vũ Hoàng Chương là bài chuyển ngữ mang tâm sự của một thi hào trong hoàn cảnh bi đát của đất nước. Ca khúc Cung Tiến là sự kết hợp lạ kỳ của tình cảm và nhạc thuật để nối liền ngần ấy nét đẹp của thơ, của nhạc. Ðiều hơi tiếc là ít người biết hoặc trình bày ca khúc trác tuyệt này để đời sau còn nhớ Vũ Hoàng Chương và dòng nhạc quý phái của miền Nam chúng ta khi mình đã mất hết…

Lần cuối mà miền Nam tự do có buổi sinh hoạt để vinh danh Vũ Hoàng Chương là vào Tháng Ba năm 1975, tại phòng trà của Khánh Ly, do Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền tổ chức. Ðã 35 năm tròn rồi. Sau đó là cảnh chia ly tan tác. “Vàng tung cánh hạc”… như ánh chớp chợt lóe rồi vụt tắt.

Dư âm còn lại là tiếng nhạc lãng đãng trong chiều tà. Sau đấy là cõi tối đen của thơ và nhạc…

Quỳnh Giao


Ca sĩ Quỳnh Giao



Chiêu Niệm Khúc (Nguyễn Quang hát)

Nhạc: Hoàng Quốc Bảo & Hoàng Khai Nhan (viết năm 1968)

Lời: Hoàng Quốc Bảo (viết năm 2017)

Hát: Nguyễn Quang (8/2019)

Hòa âm: Hoàng Quốc Bảo & Quang Đạt (2017-2019)

Phối khí & Mix: Quang Đạt (8/2019)

Hình ảnh: Dương Quốc Định

Phim ảnh: Aqua Geo Graphic

Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan (8/2019)



Nguyễn Quang Hát Chiêu Niệm Khúc



Below is Soundtrack with Beat Only (Male) Cm:





Chiêu Niệm Khúc

Bài Hát Nửa Thế Kỷ Mới Hoàn Tất


Nhạc: Hoàng Quốc Bảo & Hoàng Khai Nhan (viết năm 1968)

Lời: Hoàng Quốc Bảo (viết năm 2017)

Hát: Hoàng Quốc Bảo (7/2017)

Hát: Thu Vàng (2018)

Hát: Diệu Hiền (8/2019)

Hát: Nguyễn Quang (8/2019)

Hòa âm: Hoàng Quốc Bảo & Quang Đạt (2017-2019)

Phối khí & Mix: Quang Đạt (8/2019)

Hình ảnh: Dương Quốc Định

Phim ảnh: Aqua Geo Graphic

Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan (8/2019)




Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo

Khoảng năm 1968, người em con ông chú của tôi, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đưa tôi một đoạn nhạc Bảo đang viết dở dang được một đoạn đầu, nói tôi viết tiếp. Tôi thấy dòng nhạc hay nhưng buồn quá, nên đề nghị với Bảo là tôi sẽ viết tiếp đoạn điệp khúc với dòng nhạc... rộn ràng hơn. Và thế là phần nhạc của cả bài đã hoàn tất ngay sau đó.

Chiến cuộc đẩy đưa, hai anh em chúng tôi, mỗi người một nơi, không có dịp để viết lời cho bài nhạc. Và chúng tôi cũng quên bẵng đi bài nhạc đã viết đó.

Cho đến năm 2017, Hoàng Quốc Bảo đến thăm tôi và đưa cho tôi music sheet bài "Khói Hương Chiêu Niệm" đã được hoàn chỉnh lời, hỏi tôi "anh có nhớ bài hát anh em mình viết dở dang năm xưa không? Em vừa hoàn tất lời cho bài nhạc nè..." Rồi Bảo ngồi xuống vừa dạo dương cầm vừa hát cho tôi nghe... (mà tôi đã thu lại dưới đây...)


Hoàng Quốc Bảo đàn và hát "Khói Hương Chiêu Niệm"
22 July 2017

Tôi ngạc nhiên và thích thú quá... một ý nghĩ chợt thoáng qua trong đầu: "Gần nửa thế kỷ trước hai anh em mình viết được khúc nhạc như vầy sao?!..." Tôi đề nghị với Bảo đổi tên ca khúc thành "Chiêu Niệm Khúc" cho ngắn gọn hơn. Bảo bằng lòng.

Năm ngoái, được biết ca sĩ Thu Vàng đã thu âm Chiêu Niệm Khúc và anh em tôi cùng nhạc sĩ Phạm Anh Dũng có đến dự buổi ra mắt CD Tiếng Hát Lênh Đênh của cô. Click vào đường dẫn dưới đây để nghe Thu Vàng hát:

Thu Vàng Hát Chiêu Niệm Khúc

Tháng 8 năm nay, 2019, tôi thực hiện ca khúc này, với nhạc sĩ Quang Đạt phụ soạn hòa âm và phối khí, với ca sĩ Diệu Hiền và Nguyễn Quang đóng góp tiếng hát. Mời quí bạn thưởng thức dưới đây...

Thân mến,

Hoàng Khai Nhan
Miền Nam Cali, Aug 9, 2019


Ca sĩ Diệu Hiền
(photo by Quang Đạt)

Diệu Hiền Hát Chiêu Niệm Khúc



Nguyễn Quang Hát Chiêu Niệm Khúc



Hoàng Khai Nhan Hát Chiêu Niệm Khúc



Below is Soundtrack with Melody (Female):

Below is Soundtrack with Beat Only (Female):

Below is Soundtrack with Beat Only (Male):





Ơ Kìa Cô Bé

Tạp ghi

Diễm


Khi đọc tên tựa bài hát và lắng nghe tiếng nhạc dạo đầu rộn ràng, tươi vui tôi đã mơ mộng về một ca khúc dễ thương, nhưng rồi... giật mình đánh thót... khi nghe câu hát đầu tiên:

"Ơ kìa! Cô bé hay gây sự..."

Hi hi... những kẻ "có tật" thường hay "giật mình" như vậy đó!

Nếu "gây sự" mà lại tung tăng đi vào nhạc một cách dễ thương như vậy thì ắt hẳn cô bé này phải giỏi "cà khịa" vô cùng, khiến người ta không thể nào quên.

Ơ kìa cô bé hay gây sự
tóc kẹp đuôi gà, rủ chấm lưng
Cô có còn vô tư đấy chứ,
khi nào cô nhớ đến ta không?

Lời thơ rõ ràng nghe như câu hỏi của mối tình một chiều, khi một người nhớ về một người.

Nhưng... hình như không chỉ có "một người," bởi vì ngay sau đó đã có thêm những nhân vật mới lần lượt xuất hiện với từng cá tính riêng của mình:

Ơ kìa! Cô bé gầy tinh quái
tóc ngắn mang tai, ưa hát hò
cô có còn tung tăng chạy nhảy
đôi lần còn nhắc đến tên ta?

Ơ kìa! Cô bé hay làm dáng
tóc nửa con trai, mắt sáng tròn
cô có còn xinh tươi nét cười
biết chăng ta ở cuối phương trời?

Chỉ có trái tim bao la của một người cha thì mới đủ chỗ cho cả ba cô bé như vậy.

Tình yêu từ người cha dành cho các cô con gái nhỏ của mình đã được thi sĩ Đắc Trung viết thành một bài thơ trong những ngày tháng tối tăm chịu cảnh tù đày sau biến cố 1975. Có lẽ những viễn ảnh ấm áp khi sum họp chính là nguồn động lực khiến cho ông, cũng như biết bao người bạn tù có đủ niềm tin và nghị lực sống còn qua mỗi ngày.

Này nhé! ba cô đừng nghịch ngợm
nhớ thương thì đợi lúc ta về
sẽ có trăm hôn nghìn kẹo bánh
quây quần ta kể chuyện say mê

Nhạc sĩ Hoàng Khai Nhan lúc bấy giờ là một người bạn tù của thi sĩ Đắc Trung trong khoảng thời gian 1975-1976 tại trại tù Long Khánh. Chú cũng có người con trai chỉ hơn tháng tuổi, đang ở với mẹ và đã phải xa bố. Cám cảnh và cảm động nên đã phổ nhạc bài thơ và sau này thể hiện bằng giọng hát của chính mình. Có lẽ chính vì vậy mà bài hát có một linh hồn đặc biệt, đó chính là cái tình của một người thấu hiểu hoàn toàn mọi cảm xúc sâu kín trong tâm hồn của một người đồng cảnh ngộ.

Người nghe, như tôi đây, đã rơi nước mắt! Bởi vì tôi cũng đã từng là một đứa con đau đáu thương nhớ và chờ đợi sự trở về của người cha. Mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, bao giờ chúng tôi cũng đọc kinh, làm dấu thánh và cầu nguyện: "Xin Chúa cho bố con mau về!"

Tạ ơn Chúa vì bố tôi đã trở về vào một buổi sáng 29 Tết.

Tôi oà khóc khi nhận ra bố tôi đứng trước cửa nhà, thân thể gầy gò trong bộ áo tù màu chàm bạc phếch có in chữ "Cải Tạo" to tướng sau lưng, nhưng đôi mắt ông rực sáng và nụ cười rạng ngời là điều mà tôi nhớ mãi đến hôm nay.

Một người tù cải tạo trở về thì làm sao có được "nghìn kẹo bánh," nhưng món quà "trăm hôn" dành cho những đứa con của mình thì chất đầy ắp cả trái tim.

Được biết ba cô bé trong bài hát đã theo mẹ vượt thoát tìm đến được bến bờ tự do. Hai người bạn tù cũng mất liên lạc với nhau sau khi thi sĩ Đắc Trung đặt chân lên xứ Cờ Hoa năm 1986-1987. Không biết bây giờ thi sĩ đang ở đâu? Ba cô bé hôm nào đã trưởng thành ra sao, có còn hay "gây sự," "tinh quái," hay thích điệu đà "làm dáng" như hôm nào?

Tôi vẫn mong một ngày nào đó, ba cô bé năm xưa sẽ nghe được bài hát này, để thấu hiểu và cảm nhận tình yêu bao la đầy cảm động và nỗi nhớ nhung tha thiết của cha dành cho các cô.

Nhạc phẩm đáng yêu này được trình bày trên một nền nhạc reo vui rộn ràng, dường như nhạc sĩ Trần Duy Đức - người làm hoà âm và phối khí - cũng hả dạ vì góp trả được “mối thù rực rỡ” với những kẻ hay "gây sự"... ha ha!

Bên cạnh đó, chú Hoàng Khai Nhan không quên cho ba cô bé "góp mặt" thể hiện những cá tính "đáng nhớ" của mình qua album hình ảnh lung linh sống động của Alpha Romeo Photography.

Xin trân trọng giới thiệu cùng quý khán thính giả tác phẩm vui vẻ yêu thương này để bắt đầu một ngày tuyệt đẹp.

Diễm

August 19, 2019



"Ơ Kìa Cô Bé" Soundtrack (C#)
Trần Duy Đức hòa âm và phối khí








Chiêu Niệm Khúc... Rộn Ràng

Tạp ghi của

Diễm


Một nhạc sĩ soạn nhạc từng nói với tôi rằng mỗi nhạc phẩm đều có một số phận. Tôi tin điều này cũng như tin vào “định mệnh” của mỗi phận người.

Hôm nay, tôi vừa thưởng thức một bản nhạc có "lá số" khá lạ thường, và muốn được dông dài đôi chút cùng bạn đọc.

Đó là một bài hát ‘chưa nghe đã thấy buồn’ mang tên "Chiêu Niệm Khúc." Thêm vào đó, ngay bên dưới tên tựa của bài hát (in trong music sheet) có một dòng chữ tuy nhỏ nhưng làm cho sống lưng tôi bỗng dưng… ớn lạnh: "In memory of Rezső Seress"

Xin thưa, Rezső Seress là tên của một nhạc sĩ dương cầm người Hungary, người đã sáng tác nhạc phẩm "Szomorú Vasárnap" để diễn tả tâm trạng thất tình của mình.


Gloomy Sunday - Original Piano Version

Thật không ngờ, đây lại là một nhạc phẩm đã làm cho biết bao nhiêu người nghe buồn đến mức phải tự tử vì giai điệu thê thiết, não nùng, ray rứt của từng nốt nhạc. Vì vậy, nó còn được biết đến dưới cái tên "Hungarian Suicide Song."

Chắc hẳn bạn đọc đã từng nghe phiên bản tiếng Anh "Gloomy Sunday" qua giọng hát của nữ danh ca Billie Holiday với những câu hát tuyệt vọng như sau:

Gloomy is Sunday, with shadows I spend it all
My heart and I have decided to end it all
"


Gloomy Sunday - Billie Holiday

Nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã viết lời Việt cho bản nhạc này và đặt tên "Chủ Nhật Buồn" thường được nữ danh ca Khánh Ly trình diễn.


Chủ Nhật Buồn (Lời Việt Phạm Duy) Khánh Ly

Như một định mệnh báo trước, người nhạc sĩ sáng tác ra "khúc ca tự tử" này cuối cùng cũng đã tự kết liễu đời mình trong một cơn trầm cảm đến cùng cực vào đúng một ngày Chủ Nhật.

Sở dĩ tôi dài dòng như vậy là bởi vì muốn dẫn dụ bạn đọc cùng suy luận theo lối "drama queen" của tôi... hi hi... Tôi cho rằng có lẽ nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo sau khi viết vài khuông nhạc đầu tiên vào khoảng năm 1968 cũng đã cảm thấy "rờn rợn" một điều gì đó. Nếu không thì tại sao bỗng dưng chú Bảo lại đưa cho ông anh họ của mình là nhạc sĩ Hoàng Khai Nhan của mình viết tiếp?

Có lẽ nhờ "nội công" của chú Nhan tôi, người mà ngày nay vẫn được mệnh danh là "Hoàng Lão Tà Tà" trong giới văn nghệ võ lâm - đã hoá giải được "định mệnh" của bản nhạc. Chú Nhan cho rằng đoạn nhạc đầu hay nhưng buồn quá, nên đã đề nghị với chú Bảo được viết tiếp phần điệp khúc với giai điệu... “rộn ràng hơn” (nguyên văn).

Nhưng rồi "con tạo xoay vần" thế nào mà mãi đến năm 2017, tức là gần "nửa thế kỷ" sau, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo mới hoàn tất lời nhạc. Vì vậy, ngoài hai chữ "định mệnh" tôi không có lý giải nào khác hơn.

Tôi lùng kiếm trên YouTube và tìm ra được 3 phiên bản khác nhau như sau:

Giọng hát Hoàng Khai Nhan (uploaded 12/2018)


Giọng hát Thu Vàng (7/2018)


Giọng hát Diệu Hiền (8/2019 - mới nhất)


Nếu như bạn cũng yêu thích "drama" như tôi, có lẽ bạn sẽ thấy phiên bản giọng hát Hoàng Khai Nhan và tiếng đàn đệm dương cầm của nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo nghe "rờn rợn" gần với phiên bản gốc của Rezso Seress nhất... Ha ha!

Còn nếu như bạn "yếu bóng vía" và yêu mến sự nhẹ nhàng thanh thoát, xin mời thưởng thức hai giọng ca nữ "mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười."

Hãy cùng tôi lắng nghe giai điệu điệp khúc "rộn ràng..."

Lời thiên thu đang réo gọi cho ngàn xưa xoá tan đi ngàn sau.
Trăm năm được chi mất chi!
Đêm nay cùng ta khắc ghi
có trăng và sao chứng tri cho mối duyên đầu thương đau...

Hỡi những người đang ngậm ngùi "chiêu niệm," tiễn biệt một tình yêu không thể tránh khỏi những buồn đau, nhưng xin đừng vì thế mà "My heart and I have decided to end it all." Thay vào đó, xin hãy tin tưởng rằng có một "định mệnh" dành cho mỗi cuộc tình trong đời...

Để lại trần gian ngất ngây
Để lại tình tôi đắm say
Để lại chim hót bên đồi vắng tênh rừng mai...

Diễm

August 10, 2019





Mộng Dưới Hoa

Thơ: Đinh Hùng

Nhạc: Phạm Đình Chương

Hát: Hoàng Khai Nhan

Thu thanh, mix, thực hiện video: Hoàng Khai Nhan


Mời thưởng thức:



Thi sĩ Đinh Hùng (1920 - 1967)

Tôi Đến Với Thi Sĩ Đinh Hùng

Tôi được hân hạnh đến với thi sĩ Đinh Hùng và gia nhập Ban Thi Văn Tao Đàn vì thi sĩ Đinh Hùng đã... giới thiệu sai tên thằng bé! Chuyện đơn giản chỉ có thế!

Năm 1962, tôi còn là một học sinh đang mài đũng quần ở lớp Đệ Nhị trường Trung Học Petrus Ký. Tôi đã biết làm thơ trước đó mấy năm, và bắt đầu tập tễnh viết ca khúc.

Vì là học sinh, không có tiền xuất bản thơ, và vì yêu thích ngâm thơ, nên một hôm tôi đã mạnh dạn chép tay vài bài thơ, cùng bức thư ngắn, gửi lên thi sĩ Đinh Hùng là người phụ trách chương trình thi văn Tao Đàn của đài Sài Gòn lúc bấy giờ. Trong thư tôi bày tỏ hy vọng thi sĩ sẽ giới thiệu thơ tôi trong chương trình do ông phụ trách.

May mắn và thật bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của tôi, ngay tối hôm sau ba bài thơ của tôi đã được ba giọng ngâm hàng đầu là Hồ Điệp, Hoàng Thư, và Quách Đàm diễn ngâm, sau lời giới thiệu của thi sĩ Đinh Hùng. Tôi không còn nhớ thi sĩ đã nói những gì, nhưng không sao quên được ông đã giới thiệu tôi là Hoàng Khải Nhân!

Hồi đó không có phương tiện điện thoại di động và email, nên hôm sau tôi đến tận đài, tìm gặp được thi sĩ Đinh Hùng trong quán phở 44 trước đài phát thanh. Thi sĩ tiếp tôi ngay. Sau khi nghe tôi ấp úng trình bày, ông rất vui và bảo tôi: "Nghệ sĩ không có tuổi, cứ gọi 'moi' bằng anh và xưng là em là được rồi!" Rồi ông hỏi tôi có biết ngâm thơ không.

Sau khi tôi trả lời "Dạ có," thì thi sĩ liền bảo tôi: "Đã tới giờ thu thanh rồi, theo 'moi' qua đài!" Tôi theo ông qua đài, vào phòng thu, ông giới thiệu tôi với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, người đang phụ trách đệm piano và đàn tranh, và với nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa, tay sáo kỳ cựu. Ông bảo hai nhạc sĩ đệm đàn và thổi sáo cho tôi thử giọng. Tôi ngâm được vài câu, ông ngừng tôi lại và bảo: "Tốt rồi! tí nữa thu bài này nhá!"

Một lúc sau, đến phiên tôi ngâm và thu. Thu xong, thi sĩ tươi cười, phán: "Tuần sau 'toi' đến giúp 'moi' nữa nhá!" Tôi vui vẻ nhận lời. Kể từ đấy tuần nào tôi cũng đến đài. Thế là tôi đã... chính thức gia nhập ban Tao Đàn của thi sĩ Đinh Hùng kể từ ngày ấy.

Mấy năm sau đó, ngoài phụ trách chương trình Ban Thi Văn Tao Đàn, thi sĩ Đinh Hùng còn phụ trách tuần báo Tao Đàn Thi Nhân. Nhưng tuần báo chỉ phát hành được vài số thì ông mất vì bệnh ung thư gan. Ông qua đời ngày 24 tháng 8 năm 1967, tại bênh viện Vì Dân, Sài Gòn.

Nhà văn Tạ Tỵ kể: "Trước mắt tôi, dưới làn khói mỏng manh tựa như tơ, Đinh Hùng nằm nhỏ nhoi như một đứa bé. Mái tóc nặng nề lẫn vào bóng tối. Đôi mắt tinh anh không còn nữa, nó mở nửa dài dại. Tôi biết Đinh Hùng đang nhập mộng... Vì dấn thân quá sớm, nhất là dấn thân vào một địa hạt phức tạp đầy dẫy ưu phiền, Đinh Hùng đốt cháy thân phận chẳng những trên đầu ngọn bấc (ý nói việc hút á phiện) mà còn ở men rượu và thú cầm ca sênh phách..."

Tôi vẫn còn nhớ những lần ngồi với ông ở quán phở 44 hay quán cà phê trên đường Hai Bà Trưng bên Tân Định, ông hay uống bia 33 chai này qua chai khác, và nghiền cà phê phin pha với rượu Rhum. Ngoài "tiên Nâu" ra, đấy là thú vui ăn uống của ông!

Sắp đến ngày giỗ của thi sĩ Đinh Hùng, tôi xin gửi đến tiền bối bài nhạc Mộng Dưới Hoa, thơ của ông, nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thành ca khúc, cùng một nén hương lòng và niềm yêu mến, ngưỡng mộ từ trong trái tim nhỏ bé của kẻ hậu bối là tôi!

Hoàng Khai Nhan

California, 8/8/2019



Em Tôi (Lê Trạch Lựu)

Em Tôi

Nhạc và Lời: Lê Trạch Lựu

Hát & Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan



Click to play!


Lê Trạch Lựu Viết Về Bài Hát "Em Tôi"


Thắm Nguyễn

Sưu tầm: Lê Ngọc Phượng


( Source: Để Tưởng Nhớ Nhạc Sĩ Lê Trạch Lựu )


Nhạc sĩ Lê Trạch Lựu

Năm 1946 là năm tôi đi trại hè Sầm Sơn, đi với đoàn Hướng Đạo, cùng nhiều đoàn khác, tập trung tại sân ga Hà nội. Tôi thoáng thấy một cô gái xinh xinh, dáng người phong nhã, có đôi mắt đẹp tuyệt vời. Không hiểu sao tôi thấy tôi như choáng váng, má tôi nóng bừng như lên cơn sốt; lần đầu tiên tôi thấy tôi có cái cảm giác lạ lùng này. Nhà đoàn tôi "đóng trại" to lớn, rộng rãi, đó là những biệt thự nghỉ mát của bọn Pháp thuộc điạ bỏ lại, trước nhà là bãi biển mênh mông, sau nhà có một cái giếng.

Trưa nào tôi cũng thấy cô gái ấy, đội nón, dưới nắng chang chang rũ áo. Tôi ngồi bên cửa sổ nhìn cô ta. Thỉnh thoảng cô nàng ngửng đầu lên, vành nón che đôi mắt, nhưng tôi biết là cô ta đang nhìn tôi. Thú thật, tim tôi đập thình thình. Chao ơi, yêu đương là như vậy hay sao? Đây là một rung động đầu tiên, nào đâu tôi có biết cảm giác này từ thuở ra đời!

Về Hà Nội tôi tìm nhà cô ta, vì có duyên nên tìm được ngay, cô ta ở gần nhà tôi. Bây giờ ta phải tìm biết tên cô ta nữa! Chiều nào tôi cũng đi qua nhà cô, để nhìn vào nhà, tìm lại đôi mắt đẹp. Tôi thấy có nhiều cậu trai cỡ bằng tuổi tôi đi qua đi lại trước cửa nhà, như tôi. Lúc đó tôi cũng thấy hơi hơi lo... sợ mất!

Nhưng may cho tôi, hồi ấy có một chú bé đi theo tôi hoài, hỏi ra là chú Mỹ, em cô Phượng. Trời ơi là trời, đất ơi là đất! Chúng tôi đi chơi với nhau. Một hôm, tôi viết một lá thư và mạnh dạn tôi hăng hái ra đi, nhưng chiều hôm đó tôi không thấy cô ta ra đứng ngoài cửa hóng mát. Rồi chiều hôm sau, chiều sau nữa. Thế rồi một chiều nào đó, tôi lại thấy cô ta đứng rũ tóc bên thềm.

Tìm đủ nghị lực, tôi sán gần cô ta, tay đưa lá thư, miệng lắp bắp một câu: "Phượng... Phượng cầm... cầm lấy cho... cho... tôi... tôi... lá thư này..." Rồi xong, tôi cắm đầu đi mất, không dám quay lại, sợ nhìn thấy hoặc cô ta xé lá thư, hoặc quẳng xuống lề đường... tôi sẽ mắc cỡ...

Để đỡ cho cái nặng nề đó, tôi tìm cách nói khéo với chú Mỹ, chú bằng lòng ngay. Thế là chú thành con chim xanh của tôi. Chiều nào chú cũng để một lá thư lên bàn. Bẩy tháng trời tôi viết đều đều, gần bẩy chục lá thư mà vẫn không thấy trả lời.

Tôi đau khổ quá không biết cô ta có yêu tôi không, tại sao cô ta không trả lời tôi, dù thuận dù không... Lúc bấy giờ tôi mới biết là tình yêu, thế nào là đợi chờ, là có nhiều đau khổ. Héo hon con người.

Thế rồi một hôm chú Mỹ tất tưởi chạy đến nhà tôi, đưa cho tôi một lá thư, hôm đó là một tuần trước ngày kháng chiến toàn quốc, tôi bồi hồi cầm lá thư, ở một góc có đề: "Xin Trạch Lựu đừng giận Kim Phượng mà xé lá thư này..." Tôi mở ra, đọc từng hàng chữ đều đều, tròn tròn, vuông vắn. Phượng nói yêu tôi từ ngay lúc đầu... nhưng muốn thử lòng tôi để xem tôi có phải là người đứng đắn, rồi nói rằng ngày mai Phượng đi tản cư... ở Hà Ðông, cách làng tôi mấy làng...

Tôi bàng hoàng như tỉnh một giấc mơ lâu dài chờ đợi từ bao nhiêu giờ, bao nhiêu phút. Thế là hai hôm sau, tôi đi bộ từ Hà Nội qua làng tôi tới làng tạm trú của gia đình nàng, chúng tôi đi chơi dọc dòng sông Nhuệ cùng chú Mỹ. Mẹ của Phượng, bà cụ nhìn chúng tôi âu yếm từ đằng xa... Đi chơi cùng nhau hết cả buổi chiều, tôi không dám cầm tay Phượng. Tôi ân hận tới bây giờ. Tôi trở về thành, thế rồi chiến tranh, ba năm sau tôi sang Pháp. Không rõ Phượng ở đâu, tôi vẫn nhớ Phượng hoài.

Một hôm trong trường, cái nhớ nó làm tôi điên đầu... trong giờ Etude cuối lớp có anh chàng Trần Bích Lan Nguyên Sa đang đọc Socrate hay sao, bên phải gần cửa sổ Hoàng Anh Tuấn... không biết hắn làm gì, chắc đang làm thơ, tôi cầm cây đàn bấm bấm... hai ngày sau thành bài "Em Tôi"... cả nhạc lẫn lời. Chủ nhật ra Paris, đường Volontaires, sau bữa cơm trưa, quây quần với nhau, trong đó có Anh Tuấn, Thi Liên, Thoa em gái Nguyên Sa về sau lấy Trần đình Hòa, Bội Liên đã nhận được bài tôi gửi tới trường, hồi đó cô ta có yêu tôi, nhưng tôi tránh vì cô ta con nhà giầu... Bội Liên dạo nhạc trên mấy phím ngà... Nhạc "Em Tôi" vang lên khắp cả căn phòng, tôi tê tái nghe nhạc tôi, tôi thấy là lạ, chưa quen... vì mỗi lần tôi đã nghe trong tôi hay nghe cây đàn bên tôi nói với tôi, bây giờ những ngón tay ngà chạy qua phím đàn đến với tôi, tôi như ngỡ ngàng đi vào cơn mê...

Thế rồi tôi chép lại nhạc và lời trên trang giấy học trò, trên những giòng như đã kẻ nhạc, tôi gửi tới nhà xuất bản Tinh Hoa...

Những tháng năm qua...

Rồi một hôm tôi tìm ra điạ chỉ của Phượng tôi viết về cho chú Mỹ, Mỹ trả lời tôi:

"Em nhận được thư anh, thế là anh vẫn mạnh, chị Phượng đợi anh trong một năm dài, thấy anh không về, tưởng anh chết, rồi ba năm sau chị Phượng để tang anh. Nhiều người đến hỏi chị, chị chỉ lắc đầu. Chị vẫn đợi anh, nhưng hôm qua chị Phượng đi lấy chồng, chị đã 26 tuổi rồi, ngày ngày thầy me thúc dục."

Thế là tôi cắt đứt, để Phượng đi lấy chồng cho êm thấm, có bổn phận với chồng với con. Tôi không muốn ám ảnh Phượng nữa để cho nàng yên phận.

Sáu chục năm rồi vẫn nhớ em,
Nhớ ai rũ tóc đứng bên thềm,
Nhớ người giặt áo bên bờ giếng,
Nhớ nhiều, nhớ mãi, mãi không quên...

Sáu chục năm sau, tôi được biết tin một người bạn cùng trường năm xưa, anh Nguyễn Thiệu Giang viết cùng một tờ báo với tôi hồi đó cùng Thanh Nam, tôi có nhờ anh ta đến căn nhà cũ, anh nói Phượng không còn ở đấy nữa. Nhưng có cho tôi số phone, tôi gọi Phượng, đầu giây Phượng trả lời, tôi nói là tôi, cô ta nhắc đi, nhắc lại ba lần, "anh Lê Trạch Lựu hả, anh Lê Trạch Lựu hả," như không tin là có thật. Khi tôi bảo là tôi thì Phượng òa ra khóc.

Nói chuyện cùng nhau hơn nửa tiếng, sau những lúc ân cần hỏi han. Phượng có nói, anh ấy có theo đuổi Phượng trong bốn năm trời, Phượng bảo Phượng có người, anh ta cứ đeo đẳng, Phượng có nói với anh ấy chuyện Phượng và anh. Anh ta chịu là trong lòng Phượng có một người. Tôi xin thành thật cảm ơn Phượng, tình yêu Phượng cho tôi. những năm đợi chờ, đau khổ. Một lúc sau tôi hỏi Phượng: "Thế Phượng còn giữ mấy lá thư ấy không?" Tôi muốn tìm hiểu văn thời 16 tôi viết ra sao, chắc là lủng củng lắm. Phượng trả lời tôi:

"Em để vào trong một cái hộp, nó đi theo em tất cả mọi nơi, trong đó có cả tập ảnh chụp hồi đó, nhưng chồng em thấy lúc nào em cũng buồn, nói với em nên giấu nó đi một chỗ, khi nào vui thì hãy mở ra. Thế là ông ta bỏ vào đâu không rõ. Mấy năm sau ông ta mất, tìm kiếm khắp nhà không ra. Em chỉ nhớ anh viết dài lắm... viết dài lắm... Hôm nọ em muốn tìm cái hình anh hồi đó, mà không thấy đâu. Tủi thân, em lại ngồi khóc, may rằng con, cháu em bữa đó tụi nó không có nhà..."

Lê Trạch Lựu Và Mối Tình Theo Mãi Một Đời

( Trích trong bài viết Em Tôi: Lê Trạch Lựu và mối tình theo mãi một đời của Lan Phương )

Mãi đến cuối năm 2009, 60 năm sau, ông liên lạc được một người bạn cũ từ bao năm ở lại Hà Nội, và chính người bạn này đã giúp nhạc sĩ họ Lê tìm ra số điện thoại của người xưa. Qua đường dây điện thoại ông đã gọi về thăm hỏi bà. Bà không thể tin là ông còn sống, nhắc đi nhắc lại 3 lần như ngỡ trong mơ “anh Lê Trạch Lựu đấy ư?”. Ông tâm sự tiếp:

Bây giờ chúng tôi nói chuyện với nhau. Tình ngày xưa xa lắc xa lơ. Cô đã đi lấy chồng, mà tôi đã lấy vợ, bây giờ chỉ coi nhau như bạn già thôi. Quí nhau, kính trọng nhau, chứ không nghĩ đến tình yêu ngày xưa nữa. Không thể nào lập lại thời đó được. Nhưng hai người vẫn rất quí nhau, tôi vẫn thường gọi cho cô, hay cô có gọi tôi, nhưng mà ăn nói như hai người bạn thân thôi.

Từ ngày rời Hà Nội năm 1951, nhạc sĩ họ Lê chưa một lần trở lại quê hương. Ông lập gia đình với một người vợ Pháp, gốc Ba Lan, mà theo lời ông thì bà là người rất đẹp, đoan trang, miệng cười tươi như hoa, và ông nhận là số ông may mắn, từ người yêu đến người vợ ai cũng đoan chính.

Thời còn trẻ cũng có người bạn rủ ông về miền nam làm việc, và hãng thông tấn Pháp cũng muốn ông về để lập một cột trụ ở bên đó, nhưng nhạc sĩ họ Lê tâm sự:

Tôi nghĩ rằng hồi đó tôi có đứa con nhỏ nhất mới 3 tuổi, nếu tôi về Việt Nam tôi sẽ mê một cô Việt nam, tôi sẽ lấy cô Việt Nam, sống với cô Việt Nam thì tôi sẽ không trở lại Pháp nữa. Tôi tự nghĩ: mình sinh ra con, mình không nuôi con, mình bỏ nó, sung sướng với cuộc sống của mình, rồi sau này con mình nó nhìn mình bằng cách gì mình không thể sống được. Vì thế tôi không đi. Mà nếu tôi đi, thì cũng không thể trở về được, nghề của tôi là ra chiến trường quay phim. Tôi vui thích với nghề đó lắm, mà có thể chết được, nên về thì không thể nào trở lại được nữa.

Trong buổi nói chuyện với nhạc sĩ Lê Trạch Lựu, năm đó đã trong lứa tuổi bát tuần, ông có cho biết về những sáng tác khác của ông, những ca khúc đã bị cái bóng của “Em Tôi” che mờ:

Nhạc của tôi người ta không biết nhiều, người ta chỉ biết đến ‘Em Tôi’ thôi. Ở Hà Nội, ông Thẩm Oánh có ra một bài của tôi là bài ‘Thôn Chiều’, ông ấy quí bài đó lắm. Sang Pháp, nhớ quê hương, tôi làm bài ‘Nhớ’ được trình bày trên đài phát thanh Hà Nội, và Sài Gòn sau này. Bài thứ ba là bài ‘Em tôi’. Bài ‘Em Tôi’ được người ta quí trọng nó quá nên thên hạ quên mất ‘Nhớ’ và ‘Thôn Chiều’.

Khoảng 20 năm sau khi “Em Tôi” ra đời, vẫn nỗi nhớ người xưa, nhạc sĩ họ Lê đã sáng tác “Cành Mai Tóc Ngắn”.

Cũng trong buổi nói chuyện, nhạc sĩ Lê Trạch Lựu có lời nhắc những ai yêu mến ông xin để ý cho 3 chỗ trong lời nhạc của bài “Em Tôi” mỗi khi hát:

  1. Cho anh gót thắm đem dệt nhớ nhung lời thơ (không phải “rót thắm” hay “góp thắm”); Ông giải thích: người đàn bà xưa ăn mặc kín đáo, quần chùng áo dài, gót sen của nàng là nguồn xúc cảm, gợi trí tưởng tượng, chứ không lộ liễu như bây giờ.
  2. Đèn trăng phô sắc huy hoàng sáng hơn màu nắng (không phải là “đàn trăng”).
  3. Này trăng, này sao chia nhé em (không phải là “này trăng, này sao kia nhé em”.

Xin cảm ơn nhạc sĩ Lê Trạch Lựu, cảm ơn “Em tôi,” cảm ơn cả người xưa đã là nguồn cảm xúc để nhạc phẩm trữ tình này hiện hữu.

Thắm Nguyễn