Ơ Kìa Cô Bé

Tạp ghi

Diễm


Khi đọc tên tựa bài hát và lắng nghe tiếng nhạc dạo đầu rộn ràng, tươi vui tôi đã mơ mộng về một ca khúc dễ thương, nhưng rồi... giật mình đánh thót... khi nghe câu hát đầu tiên:

"Ơ kìa! Cô bé hay gây sự..."

Hi hi... những kẻ "có tật" thường hay "giật mình" như vậy đó!

Nếu "gây sự" mà lại tung tăng đi vào nhạc một cách dễ thương như vậy thì ắt hẳn cô bé này phải giỏi "cà khịa" vô cùng, khiến người ta không thể nào quên.

Ơ kìa cô bé hay gây sự
tóc kẹp đuôi gà, rủ chấm lưng
Cô có còn vô tư đấy chứ,
khi nào cô nhớ đến ta không?

Lời thơ rõ ràng nghe như câu hỏi của mối tình một chiều, khi một người nhớ về một người.

Nhưng... hình như không chỉ có "một người," bởi vì ngay sau đó đã có thêm những nhân vật mới lần lượt xuất hiện với từng cá tính riêng của mình:

Ơ kìa! Cô bé gầy tinh quái
tóc ngắn mang tai, ưa hát hò
cô có còn tung tăng chạy nhảy
đôi lần còn nhắc đến tên ta?

Ơ kìa! Cô bé hay làm dáng
tóc nửa con trai, mắt sáng tròn
cô có còn xinh tươi nét cười
biết chăng ta ở cuối phương trời?

Chỉ có trái tim bao la của một người cha thì mới đủ chỗ cho cả ba cô bé như vậy.

Tình yêu từ người cha dành cho các cô con gái nhỏ của mình đã được thi sĩ Đắc Trung viết thành một bài thơ trong những ngày tháng tối tăm chịu cảnh tù đày sau biến cố 1975. Có lẽ những viễn ảnh ấm áp khi sum họp chính là nguồn động lực khiến cho ông, cũng như biết bao người bạn tù có đủ niềm tin và nghị lực sống còn qua mỗi ngày.

Này nhé! ba cô đừng nghịch ngợm
nhớ thương thì đợi lúc ta về
sẽ có trăm hôn nghìn kẹo bánh
quây quần ta kể chuyện say mê

Nhạc sĩ Hoàng Khai Nhan lúc bấy giờ là một người bạn tù của thi sĩ Đắc Trung trong khoảng thời gian 1975-1976 tại trại tù Long Khánh. Chú cũng có người con trai chỉ hơn tháng tuổi, đang ở với mẹ và đã phải xa bố. Cám cảnh và cảm động nên đã phổ nhạc bài thơ và sau này thể hiện bằng giọng hát của chính mình. Có lẽ chính vì vậy mà bài hát có một linh hồn đặc biệt, đó chính là cái tình của một người thấu hiểu hoàn toàn mọi cảm xúc sâu kín trong tâm hồn của một người đồng cảnh ngộ.

Người nghe, như tôi đây, đã rơi nước mắt! Bởi vì tôi cũng đã từng là một đứa con đau đáu thương nhớ và chờ đợi sự trở về của người cha. Mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, bao giờ chúng tôi cũng đọc kinh, làm dấu thánh và cầu nguyện: "Xin Chúa cho bố con mau về!"

Tạ ơn Chúa vì bố tôi đã trở về vào một buổi sáng 29 Tết.

Tôi oà khóc khi nhận ra bố tôi đứng trước cửa nhà, thân thể gầy gò trong bộ áo tù màu chàm bạc phếch có in chữ "Cải Tạo" to tướng sau lưng, nhưng đôi mắt ông rực sáng và nụ cười rạng ngời là điều mà tôi nhớ mãi đến hôm nay.

Một người tù cải tạo trở về thì làm sao có được "nghìn kẹo bánh," nhưng món quà "trăm hôn" dành cho những đứa con của mình thì chất đầy ắp cả trái tim.

Được biết ba cô bé trong bài hát đã theo mẹ vượt thoát tìm đến được bến bờ tự do. Hai người bạn tù cũng mất liên lạc với nhau sau khi thi sĩ Đắc Trung đặt chân lên xứ Cờ Hoa năm 1986-1987. Không biết bây giờ thi sĩ đang ở đâu? Ba cô bé hôm nào đã trưởng thành ra sao, có còn hay "gây sự," "tinh quái," hay thích điệu đà "làm dáng" như hôm nào?

Tôi vẫn mong một ngày nào đó, ba cô bé năm xưa sẽ nghe được bài hát này, để thấu hiểu và cảm nhận tình yêu bao la đầy cảm động và nỗi nhớ nhung tha thiết của cha dành cho các cô.

Nhạc phẩm đáng yêu này được trình bày trên một nền nhạc reo vui rộn ràng, dường như nhạc sĩ Trần Duy Đức - người làm hoà âm và phối khí - cũng hả dạ vì góp trả được “mối thù rực rỡ” với những kẻ hay "gây sự"... ha ha!

Bên cạnh đó, chú Hoàng Khai Nhan không quên cho ba cô bé "góp mặt" thể hiện những cá tính "đáng nhớ" của mình qua album hình ảnh lung linh sống động của Alpha Romeo Photography.

Xin trân trọng giới thiệu cùng quý khán thính giả tác phẩm vui vẻ yêu thương này để bắt đầu một ngày tuyệt đẹp.

Diễm

August 19, 2019



"Ơ Kìa Cô Bé" Soundtrack (C#)
Trần Duy Đức hòa âm và phối khí








No comments:

Post a Comment